Điện hay sinh thái?

Báo cáo mới nhất về các kịch bản của Kế hoạch phát triển lưu vực sông Mê Công (MRC) của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) đã thay đổi một số giả định quan trọng trong các kịch bản của MRC và kết luận rằng tác động kinh tế của việc mất đi sản lượng thủy sản đánh bắt (dựa trên các loài cá di cư) là lớn hơn nhiều so với lợi nhuận có được từ thủy điện cho cả kịch bản 6 đập và 11 đập. Việt Nam và Campuchia sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn cả trong cả hai kịch bản; còn ở kịch bản 11 đập thì Thái Lan cũng sẽ rơi vào nhóm này. Kết quả này khác biệt đáng kể so với báo cáo trước đây.

Báo cáo mới nhất về các kịch bản của Kế hoạch phát triển lưu vực sông Mê Công (MRC) của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên thuộc Đại học Mae Fah Luang (Thái Lan) đã thay đổi một số giả định quan trọng trong các kịch bản của MRC và kết luận rằng tác động kinh tế của việc mất đi sản lượng thủy sản đánh bắt (dựa trên các loài cá di cư) là lớn hơn nhiều so với lợi nhuận có được từ thủy điện cho cả kịch bản 6 đập và 11 đập. Việt Nam và Campuchia sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn cả trong cả hai kịch bản; còn ở kịch bản 11 đập thì Thái Lan cũng sẽ rơi vào nhóm này. Kết quả này khác biệt đáng kể so với báo cáo trước đây.

Theo số liệu mới được điều chỉnh, lượng phù sa ở sông Mê Công trước đây ước tính khoảng 160 - 165 triệu tấn/năm, cung cấp tương đương 26.000 tấn phosphate/năm cho vùng đồng bằng sông Mê Công. Tuy nhiên, lượng phù sa và giá trị dinh dưỡng của nó đã bị giảm khoảng 50% xuống còn 80 - 82,5 triệu tấn/năm bởi các dự án khu vực thượng lưu sông Mê Công ở Trung Quốc. Các nghiên cứu gần đây kết luận rằng, với việc xây dựng tất cả các đập dự kiến trên dòng chính thì tổng lượng phù sa tích tụ sẽ giảm khoảng từ 56% - 96% (tùy nghiên cứu khác nhau), dẫn đến sự thay đổi rất lớn về sinh thái cốt lõi. Lượng phù sa bị mất đi trị giá khoảng 100 triệu USD tới 1 tỷ USD/năm và nhóm tác giả Thái Lan nêu trên ước lượng ở mức khoảng 100 triệu USD/năm đối với kịch bản 6 đập và 200 triệu USD/năm đối với kịch bản 11 đập; trong đó khoảng 70% lượng phù sa và dinh dưỡng mất đi lẽ ra thuộc về Việt Nam!

Cũng không thể không kể đến tác động văn hóa - xã hội to lớn khi các con đập lớn được xây dựng trên dòng chính và nhánh sông Mê Công đối với an ninh lương thực và sinh kế của 30 triệu người dân nông thôn ở vùng hạ lưu, dù khó có thể lượng hóa. Đồng bằng sông Cửu Long vốn cung cấp 50% lương thực cho Việt Nam, chiếm 90% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 60% thủy sản - hai nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm.

Bản báo cáo cũng nêu rõ, nếu các dự án thủy điện trên dòng chính không được theo đuổi nữa, có thể có rủi ro tối thiểu về an ninh điện; nhưng nhu cầu điện dự báo có thể được cung cấp bởi các nguồn năng lượng thay thế (ví dụ như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối) và cải thiện được hiệu quả sử dụng năng lượng.

Các tác giả báo cáo gợi ý, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam mỗi nước sẽ chi trả một khoản tiền nhất định như “phí dịch vụ sinh thái” cho Lào trong 30 năm tới để bồi thường cho việc Lào không tiếp tục phát triển thủy điện trên dòng chính. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ tất cả hoạt động nghiên cứu cần thiết để phát triển các giải pháp khả thi khác. Con số được đề xuất là mỗi năm Lào sẽ nhận được 300 triệu USD.

Trong khi một cơ chế tương tự giữa các địa phương thượng nguồn và hạ nguồn ở Việt Nam dường như vẫn chưa thật rõ ràng, thì vấn đề phân chia lợi ích từ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên xem ra đã không còn khoanh lại trong phạm vi biên giới một quốc gia nữa. Nếu không dành sự quan tâm thích đáng, các quốc gia hạ nguồn Mê Công, trong đó có Việt Nam, có thể phải chịu những tổn thất nặng nề mà lẽ ra có thể tránh được.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục