Chưa thấy rõ kết quả xử lý nợ xấu

Chưa thấy rõ kết quả xử lý nợ xấu

(SGGPO).- Theo nhận định trong “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II- 2015: Chuyển biến, cơ hội và chính sách” được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố sáng nay 29-7, các mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015, chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) tối đa 5% và tỷ trọng đầu tư phát triển GDP từ 30% – 32% chắc chắn thực hiện được.

Ở mức độ ít chắc chắn hơn một chút là các mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu (ít nhất 10%) và nhập siêu (5% kim ngạch xuất khẩu).

Cũng tại báo cáo này, triển vọng kinh tế vĩ mô quý III-2015 được dự báo tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm 2014 đạt mức 6,42%; CPI so với cuối quý 1-2015 là 0,92%; tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2014 là 10,6% và cán cân thương mại là âm 0,8 tỷ USD.

Xử lý nợ xấu vẫn chưa rõ ràng. Ảnh minh họa: Cao Thăng

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, tăng trưởng kinh tế đã thể hiện sự phục hồi rõ nét hơn, với công nghiệp – xây dựng là điểm sáng chính: tăng trưởng tới 9,1% trong 6 tháng đầu năm 2015 so với 2014; sản xuất và đơn hàng cũng gia tăng vững chắc… Tuy nhiên, một số vấn đề cần lưu ý là lãi suất nhìn chung ổn định, nhưng khó giảm thêm. Đáng lưu ý là áp lực tăng cục bộ lãi suất ở một số ngân hàng thương mại (NHTM). “Nợ xấu vẫn cao. Chúng ta đã quốc hữu hóa một số NHTM, nhưng bước tiếp theo thế nào? Trong khi đó, nguồn lực, tài lực, pháp lực của chúng ta vẫn hạn chế, khiến cho kết quả xử lý nợ xấu chưa rõ ràng”, ông Cung nhận xét. Không phủ nhận tính khả thi của việc đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay 2015 như kế hoạch, nhưng Viện trưởng CIEM cho rằng để có thể làm được điều này phải có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ. Vấn đề chúng ta cần quan tâm là bản chất của việc xử lý nợ xấu và hệ quả của nó, tác động đến nền kinh tế trong trung hạn như thế nào hơn là con số có đạt được đúng hạn hay không.

Liên quan đến tình trạng tỷ giá VNĐ/USD có nhiều biến động trong quý II vừa qua, ông Cung đánh giá, điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD là cần thiết, nhưng không đủ để ổn định thị trường. Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 200 triệu USD để tăng cung. Mặc dù dư địa điều hành tỷ giá vẫn còn khá nhiều, song vấn đề quan trọng là phải có sự phối hợp của các chính sách khác và giải pháp điều hành cần linh hoạt hơn.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục