Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị thâu tóm?

Sản xuất nhỏ, thiếu vốn, trình độ công nghệ lạc hậu, đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đuối thế trước các DN ngoại. Để tồn tại và duy trì mức lợi nhuận hiện hữu, nhiều DN vừa và nhỏ đang phải tính đến phương án sáp nhập hoặc chuyển sang gia công cho các DN ngoại có cùng sản phẩm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị thâu tóm?

Sản xuất nhỏ, thiếu vốn, trình độ công nghệ lạc hậu, đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đuối thế trước các DN ngoại. Để tồn tại và duy trì mức lợi nhuận hiện hữu, nhiều DN vừa và nhỏ đang phải tính đến phương án sáp nhập hoặc chuyển sang gia công cho các DN ngoại có cùng sản phẩm.

Đóng gói Vinacafe tại Nhà máy cà phê Biên Hòa. Ảnh: CAO THĂNG

Thay nội hàm

Trường hợp các công ty Kinh Đô và Tribeco là điển hình. Trước thực tế bánh kẹo ngoại tràn ngập thị trường nội địa, các DN đã liên kết với công ty nước ngoài có cùng dòng sản phẩm để sản xuất và chia thị phần tiêu thụ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, từ việc liên kết đến chuyển giao thương hiệu là “ngắn chẳng tày gang”. Về nguyên tắc, DN nước ta vẫn giữ được thương hiệu sản phẩm nhưng thực chất nội hàm bên trong đã được thay thế là ngoại nhập.

Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cho biết, thể chất của DN nội vốn yếu hơn so với DN ngoại. Do vậy, chọn bạn liên kết cũng cần tính toán kỹ. Thực tế hiện nay cho thấy, có hai trường hợp khá phổ biến mà DN ngoại hướng đến. Một là với những DN nội có thị phần tiêu thụ tương đối, thay vì phải đánh bật DN nội ra khỏi thị trường truyền thống, các DN ngoại thường chọn hình thức liên doanh. Bước đầu việc liên doanh diễn ra khá thuận lợi nhưng về lâu dài, DN ngoại thường áp dụng hình thức tăng vốn đầu tư hoặc quyết toán thua lỗ. Tình trạng này kéo dài, DN Việt Nam sẽ không đủ năng lực tài chính để đáp ứng và dần dần sẽ bị thâu tóm. Hai là với những DN có nội lực yếu hẳn hoặc có nội lực mạnh nhưng không muốn liên doanh thì họ sử dụng chính sách cạnh tranh giá, tăng quảng cáo, khuyến mãi để lấn từng bước chiếm thị phần. Điều đáng nói, dù bằng cách nào nhưng với thực trạng hoạt động sản xuất quy mô nhỏ, yếu cả năng lực tài chính lẫn phát triển thương hiệu thì DN nội đều khó có thể chống đỡ nổi trước làn sóng đầu tư ồ ạt của DN ngoại. Thực trạng này đang thể hiện rõ trên thị trường sản xuất hàng tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay.

Đại diện Công ty cổ phần nhựa Duy Tân cho biết, những rào cản kỹ thuật có tác dụng bảo vệ DN nội hiện không có. Việc thực hiện các hiệp định thương mại, cắt giảm thuế suất 0% với hàng ngàn dòng sản phẩm nhập khẩu, đang khiến không ít DN nhỏ và vừa lao đao. Nhựa Duy Tân đang có chỗ đứng khá tốt, có thương hiệu trên thị trường nhưng xét về quy mô sản xuất thì chỉ bằng khoảng 1/3 DN ngoại có cùng sản phẩm. Không chỉ trong ngành nhựa, ở các ngành hàng tiêu dùng khác, nhiều DN FDI chiếm lĩnh thị trường thường chấp nhận 30% sản phẩm bán có lợi nhuận, còn 70% sản phẩm bán bằng giá vốn hoặc thấp hơn giá vốn để chiếm thị phần tiêu thụ. Chính sách này thực hiện trong thời gian từ 3-5 năm, cộng với lợi thế nguồn nguyên liệu sản xuất nhập từ nước sở tại của DN FDI và thêm tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt nên rất khó cho DN nội có thể trụ được. Đến lúc đó, buộc DN nội địa phải chấp nhận bán thương hiệu hoặc chuyển sang gia công lại cho chính thương hiệu của mình nhưng đã thay chủ mới.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệtcủa các doanh nghiệp ngoại sản xuất cùng ngành hàng.

Liên kết phát triển hay gia công?

Nhìn nhận về hiện tượng này, ông Nguyễn Đình Đông nhấn mạnh thêm, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, hàng loạt hiệp định thương mại đã được ký kết giữa Việt Nam với các nước châu Á, châu Âu đã mở ra cho các DN nội thị trường xuất khẩu rộng lớn. Ngược lại, tại thị trường nội địa cũng đang chứng kiến DN ngoại tham gia sâu hơn vào thị phần tiêu thụ nội địa. Chỉ có điều, với năng lực còn yếu nên DN nội chưa tận dụng được lợi thế khai thác thị trường ngoại, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt và khốc liệt hơn tại thị trường nội địa. Do đó, trong thời gian tới, chỉ những DN nội thực sự có nội lực mạnh mới có thể bảo toàn hoạt động sản xuất và tăng khả năng xuất khẩu sang thị trường ngoại. Về phía Casumina, ngoài việc không ngừng đầu tư và mở rộng thị trường nội địa, công ty đã từng bước đưa sản phẩm sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Riêng tại những khu vực mà sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh thì công ty chấp nhận gia công cho thương hiệu ngoại có thị phần tiêu thụ nước ngoài. Việc gia công này vừa giúp công ty ổn định lợi nhuận và không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh với chính sản phẩm của mình tại thị trường nội địa. Đặc biệt là có cơ hội học thêm kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất của DN ngoại. Tại hội nghị về Luật Cạnh tranh, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cho rằng, DN vừa và nhỏ cũng có thể vận dụng luật cạnh tranh để tự bảo vệ mình. Chỉ có điều, hiện rất ít DN biết rõ về luật cũng như vận dụng nó nên thường bị các DN ngoại lấn sân ngay trên thị phần nội địa.

Tiến sĩ Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, Việt Nam đã chính thức hội nhập với thị trường thế giới nên không thể phân biệt ưu đãi DN nội với DN ngoại. Chuyện “cá lớn nuốt cá bé” trên thị trường là hết sức bình thường. Chính sách Nhà nước có hỗ trợ nhưng với nội lực nền kinh tế hiện hữu thì việc hỗ trợ cũng có giới hạn. Do vậy, chắc chắn sẽ có sự xáo trộn và sắp xếp lại thị trường kinh doanh, sản xuất khi Việt Nam chính thức tham gia vào các hiệp định hợp tác thương mại vào cuối năm 2015. Trong đó, lợi thế sẽ nghiêng về những DN mạnh. Vấn đề là ngay từ bây giờ, các DN cần xây dựng lại chiến lược phát triển thích ứng với tình hình mới. Có DN sẽ chọn liên kết với DN nước ngoài để đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ. Trên thực tế, với ngành cơ khí chế tạo, Chính phủ đang khuyến khích các DN nội liên kết với DN ngoại để rút ngắn quá trình chuyển giao công nghệ. Với những DN nhỏ đang có lợi thế thị trường ổn định, có thể bắt tay nhau để tăng quy mô sản xuất và năng lực kinh doanh nếu muốn giữ vững thương hiệu Việt. Trường hợp chọn DN ngoại để liên doanh cũng là giải pháp để phát triển bền vững, chỉ có điều, DN nội cần thấy rằng không phải DN nào cũng được DN ngoại chọn làm đối tác liên kết. Vì thế, theo tiến trình hội nhập, nhiều DN nội sẽ bị buộc phải giải thể hoặc phải chuyển thành đơn vị gia công cho chính DN nước ngoài.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục