Nợ của doanh nghiệp

Nợ công, đặc biệt là tỷ lệ nợ công trên GDP luôn là vấn đề nóng trên các diễn đàn bàn về kinh tế vĩ mô, song khi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi nhỏ hơn, người ta cũng sẽ rút ra những kết luận không kém phần quan trọng. Đó là cơ cấu của cục nợ công như thế nào; bao nhiêu là nợ trong nước; bao nhiêu là nợ nước ngoài? Lãi suất phải trả của mỗi khoản nợ ra sao? Tình hình nợ nần của khối doanh nghiệp nghiêm trọng đến đâu?

Theo Tổng cục Thống kê, nợ của khối doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 vào khoảng 192 tỷ USD và nếu tính cả doanh nghiệp ngoài nhà nước thì tổng nợ phải trả của khối doanh nghiệp nội đến năm 2012 khoảng 415 tỷ USD (khoảng 269% GDP). Nếu tính lãi suất bình quân khoảng từ 3% - 4%/năm, thì khối doanh nghiệp nội cũng đã phải trả lãi hàng năm từ 12-16 tỷ USD. Tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp nhà nước là 3,3, của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là 3; tỷ lệ này của doanh nghiệp nhà nước đến năm 2013 giảm chỉ còn 2,18; song tỷ lệ nợ phải trả so với nguồn vốn chủ sở hữu của khu vực ngoài Nhà nước lại tăng lên nhanh chóng.

Trên cơ sở tính toán tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các loại hình doanh nghiệp trong những năm gần đây, các chuyên gia thống kê cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước thấp nhất và có xu hướng ngày càng thấp. Đây là lý do khiến cho trong 2 năm gần đây, tỷ lệ để dành trên GDP và đầu tư trên GDP tương đương nhau nhưng nền kinh tế vẫn rất khó khăn về vốn.

Kết quả tính toán cũng cho thấy, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy lan tỏa đến giá trị sản xuất thấp nhất nhưng lại lan tỏa đến thu nhập cao nhất và lan tỏa ít nhất đến nhập khẩu. Từ năm 2007 đến nay, các chính sách của Nhà nước thường tập trung vào việc quản lý “cầu” (tùy giai đoạn mà kìm chế lạm phát hoặc kích thích tăng trưởng). Đồng thời, khi can thiệp vào “cầu” để kích thích tăng trưởng, Chính phủ thường tăng cường đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư công 100 đồng chỉ lan tỏa đến thu nhập 27 đồng, trong khi 100 đồng đầu tư vào khu vực ngoài nhà nước thì lan tỏa đến thu nhập 35 đồng.

Thực tế này dẫn đến khuyến nghị chính sách là không nên chỉ chú trọng đến chính sách thuế khuyến khích xuất khẩu, bởi trong một nền kinh tế chủ yếu là gia công thì xuất khẩu thực chất là xuất khẩu hộ nước khác; việc quá ưu tiên xuất khẩu không những mang lại hàm lượng giá trị gia tăng thấp mà còn kìm hãm khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển và tăng thâm hụt thương mại cũng như thâm hụt cán cân thanh toán.

Nếu sử dụng công cụ đầu tư công thì nên chú trọng đầu tư vào hạ tầng dùng chung ở trong hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa sâu, những hạng mục đòi hỏi đầu tư lớn để đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước (chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ) có thể đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên môn hóa đó, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục