Nhất quán giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Ngày 1-4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “Chính phủ sẽ nhất quán và quyết tâm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan”. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ họp báo với nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm.
Nhất quán giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Ngày 1-4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “Chính phủ sẽ nhất quán và quyết tâm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan”. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ họp báo với nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm.

Công nhân Công ty TNHH động cơ VINAPPRO sản xuất máy nổ phục vụ nhu cầu ngành nông nghiệp trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng

Tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,03%

Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1-2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tốc độ tăng GDP quý 1 ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, nhờ sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, với mức tăng 8,25% (gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ). Lạm phát (CPI) tháng 3 tăng 0,15%, 3 tháng giảm 0,1%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,25% (cùng kỳ năm trước giảm 0,57%)…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn dân, bức tranh chung tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. “Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 6,03%. Tôi đã nghe các bộ chức năng báo cáo, khẳng định con số này đã được rà soát, đánh giá kỹ càng, trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế”, Thủ tướng phát biểu.

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, tăng cường phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để bảo đảm ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. “Nhất quán và quyết tâm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không chủ quan” - Thủ tướng yêu cầu.

Sản xuất đồ chơi bằng gỗ xuất khẩu tại Công ty gỗ Đức Thành. Ảnh: Cao Thăng

Chặt cây xanh ở Hà Nội, lấn sông Đồng Nai: sai thì phải sửa

Một số vấn đề vừa qua dư luận quan tâm cũng đã được giải đáp tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, nổi lên là việc tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp lấn sông Đồng Nai để xây dựng dự án ở thành phố Biên Hòa và vụ thành phố Hà Nội chặt hạ cây xanh gây bức xúc trong dư luận.

Dư luận cho rằng, ở cả 2 vụ việc này, quy trình lấy ý kiến người dân khi thực hiện những dự án tác động lớn tới môi trường, cộng đồng đã không được thực hiện. Liệu có lợi ích cục bộ của địa phương và các đơn vị triển khai? Trả lời về điều này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã yêu cầu báo cáo việc lấn sông Đồng Nai trong tháng 5. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã quyết định dừng triển khai dự án này để thẩm định tính pháp lý và đánh giá, làm rõ hơn các tác động của dự án. Trên cơ sở báo cáo của các bộ và UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến về việc này.

Riêng về việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc quản lý cây xanh đô thị được quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quản lý toàn bộ cây xanh trên địa bàn. Nghị định cũng quy định rõ 3 loại cây được chặt hạ, dịch chuyển là: cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; cây bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình. “Việc chặt hạ, thay thế cây xanh của TP Hà Nội vừa qua đã không được dư luận đồng tình, gây bức xúc xã hội. UBND TP Hà Nội đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua và đề xuất các giải pháp xử lý” - Bộ trưởng cho biết.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định. “Vấn đề rút ra sau những sự việc này là một bài học rất lớn, trước hết là về mặt pháp lý. Như vụ chặt cây xanh của Hà Nội, chủ trương là hoàn toàn đúng nhưng việc triển khai chưa chuẩn. Còn nhiều vấn đề mà dư luận đã nêu lên sẽ phải thanh tra làm rõ” - Bộ trưởng Nguyễn Văn nên chia sẻ.

Còn về mặt quản lý, có thể thấy, bất cứ vấn đề gì liên quan đến người dân, cộng đồng thì phải lấy ý kiến người dân theo quy chế dân chủ mà pháp luật đã quy định. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, bước đầu có thể thấy, có những quy định Hà Nội làm chưa chặt chẽ. Tương tự, việc lấp sông ở Đồng Nai, cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, tham vấn cơ quan, bộ, ngành. Bởi việc can thiệp đến dòng sông không chỉ liên quan đến một địa phương có dự án mà còn chi phối cuộc sống của tất cả mọi người sinh sống trên lưu vực sông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, ở cả 2 vụ việc này, sai sót ở cấp nào thì cấp đó sẽ bị xử lý. “Rất nhiều bài học có giá trị đã được rút ra từ đây. Khi triển khai bất cứ vấn đề gì, dù ta nghĩ là đúng nhưng có ý kiến không đồng thuận của số đông, của quần chúng thì nhất quyết phải dừng lại, xem xét, nếu sai thì sửa với tinh thần thật sự cầu thị” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Cấm đấu thầu đối với doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động

Vừa qua Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty Him Lam đưa ra Đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam với quy mô trồng 200.000ha tại Tây Nguyên trong 5 năm tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nên thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca để tránh những hệ lụy như mất giá, không có thị trường tiêu thụ… Về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin, đề xuất này cần phải cân nhắc thận trọng. Hiện nay, trên thế giới sau nhiều năm phát triển mới chỉ có khoảng 80.000ha. Hiện Bộ NN-PTNT đang lập quy hoạch phát triển cây mắc-ca, trước mắt dự kiến tới năm 2020 phát triển với quy mô khoảng 10.000ha.

Liên quan đến việc vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gần đây nhất là vụ tai nạn tại dự án Formosa Hà Tĩnh, báo chí đặt câu hỏi: Có hay không nguyên nhân do nhận thầu với giá thấp nên công tác thi công, an toàn không được bảo đảm? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, trong năm 2014, nhiều cơ quan đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động tại dự án Formosa Hà Tĩnh và xử phạt hơn 1 tỷ đồng.

“Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề an toàn lao động, không phụ thuộc vào giá bỏ thầu. Ngay sau khi xảy ra các sự cố, tai nạn lao động ở dự án đường sắt trên cao, sập đường hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng, dự án Formosa Hà Tĩnh, Thủ tướng đã chỉ đạo xác định nguyên nhân cụ thể để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung nhiều giải pháp, trong đó biện pháp cấm đấu thầu hoặc trừ điểm trong quá trình đấu thầu nếu doanh nghiệp vi phạm về an toàn lao động...

 
 

* Việc điều chỉnh giá bán điện ngày 16-3 vừa qua là phương án tăng thấp và ít tác động đến kinh tế - xã hội; dự tính chỉ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 khoảng 0,18% - 0,23%; ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng. Đối với một số ngành sản xuất có mức tiêu thụ điện cao như thép, xi măng, ước tính tỷ lệ tăng giá thành khoảng 0,07% - 0,66%. Đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11-3 ước tính làm tăng CPI của tháng 3-2015 khoảng 0,04%. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 ở mức thấp, việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ yêu cầu Hà Nội xử lý nghiêm trách nhiệm vụ chặt cây xanh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương thanh tra, làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân theo quy định. UBND thành phố Hà Nội rà soát đánh giá các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện; kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời tăng cường quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định.

 Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đưa ra yêu cầu tương tự.

 
 
 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục