Đừng quá “mê” dự án tỷ đô!

Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây vừa công bố kết luận về những sai phạm của tỉnh Hà Tĩnh như dành những ưu đãi vượt khung, vượt thẩm quyền cho nhà đầu tư nước ngoài trong dự án Formosa, trong đó có việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất vượt cả thẩm quyền của Chính phủ; đấu thầu thiếu minh bạch; bồi thường giải phóng mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Thanh tra Chính phủ (TTCP) mới đây vừa công bố kết luận về những sai phạm của tỉnh Hà Tĩnh như dành những ưu đãi vượt khung, vượt thẩm quyền cho nhà đầu tư nước ngoài trong dự án Formosa, trong đó có việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất vượt cả thẩm quyền của Chính phủ; đấu thầu thiếu minh bạch; bồi thường giải phóng mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật...

Còn nhớ, cuộc chạy đua trải thảm đỏ, “xé rào” chỉ để mời gọi nhà đầu tư nước ngoài về địa phương mình bằng mọi giá đã từng là tâm điểm tranh luận từ 10 năm trước. Kết quả là ngày 29-12-2005, với Quyết định số 1387/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức yêu cầu 32 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách ưu đãi đầu tư vượt mức quy định của Chính phủ phải hủy bỏ, bãi bỏ ngay các chính sách này kể từ ngày 1-1-2006. Cũng theo quyết định này, các địa phương phải thống kê, lập danh mục các giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư có quy định trái pháp luật đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp cho nhà đầu tư trước ngày 1-1-2006, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1-3-2006...

Gần 9 năm sau ngày mệnh lệnh hành chính kiên quyết này được ban hành, vụ việc vừa được Thanh tra Chính phủ báo cáo cho thấy đây quả thực là một vấn đề không dễ dàng gì. Chẳng thế mà có lần ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - không giấu giếm sự chua chát khi than thở rằng, ông “chỉ mong được một phần ưu đãi như của Formosa” và cam đoan rằng nếu được ưu đãi tương tự thì doanh nghiệp trong nước cũng có thể xây dựng được những nhà máy có quy mô lớn và sản xuất bất kỳ loại thép nào mà thị trường có nhu cầu. Tất nhiên, lời cam đoan của ông Thái cần có thời gian mới có thể khẳng định được, song đây cũng là tâm trạng chung của nhiều nhà đầu tư nội.

Nhìn lại cục diện đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong hơn 20 năm qua, các chuyên gia trong ngành lưu ý rằng, năm 2008, khi vốn FDI đăng ký vọt lên mức đột biến là hơn 71 tỷ USD, cao gấp nhiều lần so với tất cả các năm còn lại; trong đó có tới 11 dự án “tỷ đô”, thì số vốn giải ngân cũng chỉ đạt 11,5 tỷ USD, bằng 16,03% tổng vốn đăng ký và không cao hơn các năm trước và sau đó là bao. Dường như chúng ta đã kỳ vọng quá mức vào những con số đăng ký cao vời vợi.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là do tư duy nhiệm kỳ, muốn có được thành tích đưa dự án lớn về “tỉnh nhà”. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Mại, cũng nói thẳng: “Đây là hệ lụy của việc đặt lợi ích cục bộ địa phương lên trên lợi ích quốc gia”. Nhiều địa phương không có đủ điều kiện đáp ứng, nhưng vẫn sẵn sàng ký tiếp nhận những dự án 4 - 5 tỷ USD, thậm chí 10 tỷ USD, đầu tư vào các dự án công nghiệp gang thép, xi măng... Đó là chưa kể đâu đó còn có bóng đen của lợi ích nhóm, thậm chí là lợi ích cá nhân”.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Ngọc Phi, cho rằng, vấn đề lớn nhất không phải là quy mô mà là hiệu quả của dự án. Trên thực tế, từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, Vĩnh Phúc đã tăng trưởng rất nhanh chóng, đặc biệt có nguồn thu rất bền vững, vì số thu nội địa chiếm tới xấp xỉ 95% trong tổng thu. Tuy thế, Vĩnh Phúc gần như không có dự án “tỷ đô” nào.

Rõ ràng, việc thu hút đầu tư phải phù hợp với điều kiện hạ tầng kinh tế xã hội và nguồn nhân lực của địa phương thì mới bền vững. Ở tầm quốc gia, đó chính là sự minh bạch và ổn định của chính sách; thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi... Và đó sẽ là yếu tố quan trọng hơn cả đối với những nhà đầu tư lớn, có ý định làm ăn lâu dài, mặc dù những ưu đãi ở mức hợp lý, trong một mặt bằng chung bình đẳng, cũng là cần thiết.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục