Kích cầu đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chiều 27-1, Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM”. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì buổi tọa đàm.
Kích cầu đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ

Chiều 27-1, Ban Chỉ đạo Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TPHCM”. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chủ trì buổi tọa đàm.

Khó trăm bề

Mặc dù đánh giá trong những năm qua, ngành công nghiệp trọng yếu đã có những chuyển biến tích cực, song hầu hết đại biểu tham dự buổi tọa đàm đều thẳng thắn nhìn nhận nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước nhìn chung vẫn quá yếu kém, lạc hậu, từ đó dẫn tới sức cạnh tranh yếu.

Mổ xẻ về thực trạng ngành cơ khí, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM Đỗ Phước Tống cho biết, đối với nguyên vật liệu “tiêu chuẩn” các doanh nghiệp thực hiện khá tốt, nhưng với những loại sản phẩm gia công từ phôi đúc hợp kim như gang, thép, nhôm, đồng… lại rất yếu. Sản phẩm phôi đúc có chất lượng không đồng đều nên khi gia công đạt kích thước, nhưng chất lượng lại không đạt, gây tổn thất nhiều mặt. Riêng lực lượng công nhân đứng máy thường không ổn định do nghề cơ khí đào tạo khó, học sinh các trường trung cấp, cao đẳng ra trường không làm việc được ngay mà phải đào tạo lại. Tuy nhiên, sau khi đào tạo cũng dễ bị mất người do các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu lao động sang Nhật, Hàn Quốc “hớt tay trên”. Đây là bài toán khó của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cơ khí quy mô nhỏ, chưa có hệ thống quản lý chất lượng nên việc kiểm soát chất lượng không tốt. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã có hệ thống quản lý chất lượng nhưng không tuân thủ quy định một cách nghiêm, túc đúng quy trình nên không kiểm soát được chất lượng một cách liên tục.

Sản xuất vỏ ô tô tại Casumina. Ảnh: CAO THĂNG

Cái khó nữa của ngành cơ khí là giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao do trong nước chưa có nhà sản xuất nguyên vật liệu. Chưa kể, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng máy đã qua sử dụng nên năng suất thấp và để tham gia sâu vào việc sản xuất công nghiệp phụ trợ một cách bền vững thì các doanh nghiệp phải đầu tư máy mới, chất lượng cao.

“Nhưng để đầu tư, các doanh nghiệp phải vay vốn nhiều và phải có vốn đối ứng tương ứng do thiết bị máy móc ngành cơ khí rất đắt, khấu hao lâu, hiệu quả đầu tư không cao nên cũng khó thuyết phục ngân hàng cho vay. Hơn nữa, để vay vốn doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, đây là bài toán rất khó đối với doanh nghiêp cơ khí vừa và nhỏ”, ông Tống nói.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn Trần Quốc Toản cũng đưa ra nguyên nhân do sản lượng trong nước còn thấp nên sản phẩm CNHT khi cung cấp ra thị trường giá thành cao hơn hàng nhập khẩu. Trong khi đó, văn hóa liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước chưa chặt chẽ, dẫn đến cạnh tranh thấp do tâm lý sợ mất công nghệ…

Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn Chu Tiến Dũng cho rằng: “CNHT yếu nên nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước không đáp ứng, buộc doanh nghiệp phải nhập nguyên liệu làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Mặt khác, trình độ nguồn nhân lực và công nghệ còn hạn chế dẫn đến sản phẩm nội địa chất lượng phần lớn chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, khó thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có những nguyên nhân nội tại như chưa thể tiếp cận các chính sách, chương trình hỗ trợ; mặt bằng lãi suất trong nước quá cao so với các nước có nền CNHT phát triển nên khi sản phẩm tung ra thị trường không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn nhiêu khê khiến các doanh nghiệp nản lòng không muốn đầu tư mở rộng sản xuất phát triển CNHT, thay vào đó là nhập khẩu nguyên liệu để về lắp ráp.

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, để thoát vòng luẩn quẩn năng lực cạnh tranh thấp của doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và doanh nghiệp sản xuất CNHT nói riêng, TPHCM cần ban hành các chính sách theo phân cấp của trung ương cho TP gắn với doanh nghiệp vừa và nhỏ như hỗ trợ về vốn, tín dụng; hỗ trợ về thị trường, thủ tục pháp lý và hỗ trợ về công nghệ, mặt bằng. “Các chính sách này xoay quanh một nguyên tắc là xem doanh nghiệp vừa và nhỏ như một khu vực tạo công ăn việc làm nhiều, hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế nền tảng của quốc gia nên cần tạo điều kiện để phát triển”, TS Điền nhấn mạnh.

Phân tích chi tiết hơn, TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Đại học Mở TPHCM, cho rằng các loại thuế ưu đãi cho CNHT là thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp. Các ngành CNHT phải được hưởng thuế suất thấp hơn các ngành khác. Đồng thời, thông qua các tổ chức tín dụng của nhà nước hoặc do nhà nước bảo lãnh, các doanh nghiệp CNHT được ưu đãi vay vốn với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường. Ngoài ra, nhà nước ưu đãi về đất, phát triển hạ tầng để hình thành các khu, cụm CNHT. Đây cũng là những mong mỏi của các doanh nghiệp khi muốn đầu tư đẩy mạnh phát triển vào CNHT nội địa.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đánh giá và nhất trí cao các bài tham luận cũng như các ý kiến tham gia phát biểu tại buổi tọa đàm. Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, buổi tọa đàm rất bổ ích, thiết thực, các ý kiến nêu ra của các đại biểu rất phong phú, xác đáng. Những vấn đề của các đại biểu nêu ra tại tọa đàm sẽ được tập hợp để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ TPHCM trong thời gian tới. Đồng chí cũng chỉ đạo UBND TP nhanh chóng xây dựng chương trình kích cầu thông qua đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp cũng như CNHT theo hướng cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi quy trình để hỗ trợ tối đa, tốt nhất cho doanh nghiệp.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục