Gần 4.000 tỷ đồng xây mới chợ Tân Bình

(SGGP).- Ngày 19-9, ông Lê Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, đã chủ trì buổi họp báo về dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.

Theo kế hoạch, chợ Tân Bình (tại số 172 - 274 Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình) sẽ được xây dựng mới theo mô hình phía trước là TTTM và phía sau là công trình chợ truyền thống. Trong đó, TTTM Tân Bình được xây dựng trên diện tích 7.000m2, gồm 17 tầng lầu và 3 tầng hầm, với tổng kinh phí đầu tư 1.992 tỷ đồng.

Riêng chợ truyền thống Tân Bình được xây dựng với tổng kinh phí 1.961 tỷ đồng, quy mô gồm 6 tầng lầu, 1 tầng lửng và 1 tầng hầm với hơn 5.000 sạp. Chợ được thiết kế theo hướng vừa hiện đại vừa mang dáng dấp truyền thống, có đầy đủ tiện nghi như thang máy, thang cuốn, máy điều hòa nhiệt độ…

Trước mắt, để đảm bảo duy trì việc kinh doanh của thương nhân, UBND quận sẽ xây dựng 2 chợ tạm với tổng kinh phí 272 tỷ đồng. Chợ tạm 1 được xây dựng trên vỉa hè và một phần lòng đường Phú Hòa và Tân Tiến để bố trí 377 hộ đang kinh doanh tại khu A1 chợ Tân Bình cũ. Chợ tạm 2 xây dựng trên phần đất 7.000m2, dự kiến sẽ được xây dựng TTTM đa năng để bố trí các ngành hàng tổng hợp, vải và quần áo. Theo kế hoạch, thời gian kinh doanh ở chợ tạm là 39 tháng và thương nhân không phải đóng phí chợ.

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi liên quan đến việc bồi thường cho tiểu thương được ông Lê Sơn giải thích, đối tượng được bồi thường hỗ trợ là những cá nhân đang kinh doanh tại chợ, có điểm kinh doanh cố định, có hợp đồng thuê điểm kinh doanh với ban quản lý chợ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có mã số thuế… Đối với các sạp, nhà lồng chợ và tài sản khác do cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng vốn của mình và không thể tháo rời di chuyển thì tính bồi thường cho đơn vị cá nhân đó. Trường hợp cá nhân kinh doanh có hợp đồng thuê quyền sử dụng điểm kinh doanh và đã trả trước tiền thuê thì được hoàn trả số tiền thuê đã nộp trên cơ sở giá thuê và thời gian sử dụng điểm kinh doanh còn lại theo hợp đồng.

Trả lời băn khoăn của PV Báo SGGP về sự thất bại của nhiều mô hình chợ xây dựng có lầu tại TPHCM, mô hình chợ kết hợp với TTTM, luôn rơi vào tình trạng ế ẩm, ông Lê Sơn lạc quan khi cho rằng: “Khi có chủ trương xây dựng mới chợ, quận cũng đã tham khảo tại một số nước trong khu vực, nhận thấy mô hình chợ truyền thống hiện đại khá phù hợp với đặc thù kinh doanh tại chợ Tân Bình, tức chủ yếu kinh doanh sỉ. Đây chỉ là điểm giao dịch, nơi nhận hàng để phân phối đến nhiều địa phương trong cả nước, không phải là điểm bán lẻ thông thường. Do vậy, khả năng thành công của mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại của Tân Bình là rất lớn. Chúng tôi rất mong cơ quan truyền thông và tiểu thương ủng hộ cho dự án này để từng bước chuyển đổi kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại”.

Theo kế hoạch, ngay sau họp báo, UBND quận sẽ tiến hành thông báo chủ trương với tiểu thương tại chợ. Trong thời gian từ tháng 9-2014 đến tháng 2-2015 sẽ tiến hành các bước và xây dựng chợ tạm 1. Từ tháng 3-2015 đến tháng 8-2015 di dời tiểu thương vào hoạt động tại chợ tạm 1. Tháng 9-2015 đến tháng 4-2016 hoàn tất xây dựng chợ tạm 2 và di dời tiểu thương. Tháng 5-2016 khởi công xây dựng chợ truyền thống Tân Bình, dự kiến tháng 11-2018 sẽ đi vào hoạt động. Bước tiếp theo sẽ xây dựng TTTM dịch vụ đa năng Tân Bình đưa vào hoạt động vào năm 2022.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục