Chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại: Bảo vệ lợi ích chính đáng cho sản xuất trong nước

Sau khi phải chịu khoảng 100 vụ kiện thương mại, ngày 5-9, lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ đối với 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt hàng xuất khẩu vào Việt Nam (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan). Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại này được nhìn nhận là bước tiến “lịch sử” trong ngoại thương Việt Nam và cần rút ra những bài học kinh nghiệm cho lần sau. Đó là nội dung được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo “Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam: kết quả và bài học kinh nghiệm” diễn ra ngày 18-9.

Sau khi phải chịu khoảng 100 vụ kiện thương mại, ngày 5-9, lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ đối với 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt hàng xuất khẩu vào Việt Nam (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan). Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại này được nhìn nhận là bước tiến “lịch sử” trong ngoại thương Việt Nam và cần rút ra những bài học kinh nghiệm cho lần sau. Đó là nội dung được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo “Vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên ở Việt Nam: kết quả và bài học kinh nghiệm” diễn ra ngày 18-9.

Đầu đã xuôi

Kể về diễn biến của vụ điều tra, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Phòng điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, một ngày “đẹp trời”, cơ quan này bất ngờ khi nhận được hồ sơ khởi kiện của doanh nghiệp về việc doanh nghiệp từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ trên bán phá giá thép không gỉ vào Việt Nam. Đây là vụ đầu tiên trong hơn 10 năm Việt Nam có pháp lệnh về vấn đề này. Việc “thất nghiệp” đã khiến cán bộ của cơ quan này đọc hồ sơ mà “không hiểu lắm” và phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu. 

Trong quá trình điều tra, cơ quan này đã gặp không ít khó khăn từ việc thu thập số liệu hàng hóa mà các doanh nghiệp nước ngoài xuất vào Việt Nam, xác định đâu là doanh nghiệp sản xuất thực sự có hàng hóa, chọn mẫu doanh nghiệp và gửi bản câu hỏi... Bà Giang thừa nhận, dù đã được tập huấn, đào tạo nhưng thực tế lại không dễ dàng.

Chẳng hạn, khi tính biên độ chống bán phá giá, cán bộ chuyên môn phải mất đến 2 tháng mới tính toán xong (nay có thể mất 3-4 ngày). Điểm khó khăn nhất là rà xem số liệu có thống nhất, chính xác hay không. Hay như việc thẩm tra Công ty Lisco (Trung Quốc) cũng khiến cho cơ quan quản lý của Việt Nam rút ra nhiều bài học về sự chuẩn bị quá tốt của doanh nghiệp này. “Họ chuẩn bị từng con số với lời giải thích kỹ càng nên nhiều khi mình khó bắt bẻ được. Có những số liệu cảm giác không chính xác thì sang đến nơi họ đưa ra đầy đủ thông tin chứng minh” - bà Giang nói.

Đại diện cơ quan điều tra chống bán phá giá cũng cho rằng, việc ra quyết định áp thuế chỉ là một phần chặng đường. Phần tiếp theo là thực thi ra sao cũng là điều cần xem xét như: làm sao đúng đối tượng, sản phẩm bị áp thuế (vì thép không gỉ có 9 mã hàng nhưng không phải tất cả bị áp thuế chống bán phá giá). Thậm chí, để áp thuế đúng doanh nghiệp có sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá cũng là điều khó khăn khi mà nhiều khi đơn vị sản xuất nhưng xuất khẩu qua công ty thương mại khác, nằm ở nước khác.

Bảo vệ mình

Theo ông Lê Sỹ Giảng, chuyên gia độc lập về điều tra chống bán phá giá, việc lần đầu tiên Việt Nam áp thuế chống bán phá giá rõ ràng sẽ là một cú hích cho các doanh nghiệp khác trong việc tự bảo vệ mình một cách chính đáng trước hàng nhập khẩu. Các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp không phải là công cụ hành chính đơn thuần mà sẽ thường xuyên được các nước áp dụng hơn, đặc biệt các biện pháp này càng quan trọng với Việt Nam khi càng hội nhập sâu.

Bởi càng hội nhập sâu thì hàng rào thuế sẽ ngày càng giảm, khó có thể áp dụng biện pháp hành chính, hàng rào kỹ thuật... Do đó, doanh nghiệp cần hết sức lưu tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại này. Đặc biệt, doanh nghiệp cần sẵn sàng cho cuộc chơi cao hơn như kiện chống trợ cấp và đó là biện pháp hữu hiệu với những nước có sự kiểm soát lớn của Chính phủ.

Theo bà Châu Giang, khi doanh nghiệp cảm thấy tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do hàng hóa nhập khẩu cùng loại cần nghiên cứu, tìm hiểu so sánh giá thành, giá bán để xác định mức độ ảnh hưởng. Nếu khi có cơ sở hàng hóa đó bán phá giá thì có thể liên hệ Cục Quản lý cạnh tranh để được tư vấn, hỗ trợ thu thập thông tin, lựa chọn thời điểm nộp hồ sơ kiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam) chia sẻ, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực tốt nhất cho các vụ kiện vì không lợi ích nào là miễn phí. Đã có những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam thuê luật sư 1 triệu USD để bảo vệ mức thuế hợp lý khi bị kiện chống bán phá giá. Cái được của doanh nghiệp đó là họ tiết kiệm được 4 triệu USD khác nếu mức thuế thấp đó được áp dụng. Doanh nghiệp nên coi việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như chiến lược kinh doanh.

Tại sao Việt Nam áp thuế chống bán phá giá không cao?

Trước câu hỏi tại sao Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thấp, trong khi mỗi lần Hoa Kỳ hay EU áp dụng cho doanh nghiệp Việt Nam thường cao, thậm chí lên 20% - 30%, bà Châu Giang cho biết, phương pháp tính toán biên độ từ đó áp thuế là như nhau. Tuy nhiên, có điểm khác biệt lớn chính là nước được hay không được coi là có nền kinh tế thị trường. Việt Nam và Trung Quốc bị coi là nước có nền kinh tế phi thị trường.

Do vậy, khi doanh nghiệp Việt Nam bị kiện, cơ quan điều tra thương mại nước ngoài sẽ thu thập, sử dụng thông tin từ sản phẩm ở nước khác thay thế. Nhiều nước áp thuế họ muốn thuế cao nên họ dùng sản phẩm quốc gia, vùng lãnh thổ có thu nhập cao hơn (như Brasil, Đài Loan...). Điều đó sẽ khiến chi phí cao hơn từ đó biên độ phá giá cao và áp thuế sẽ cao hơn.

Sở dĩ Việt Nam không áp được thuế chống bán phá giá cao là do Việt Nam với Trung Quốc, các nước ASEAN khác đã ký quy chế công nhận lẫn nhau là nền kinh tế thị trường. Điều đó có nghĩa là cơ quan điều tra thương mại mỗi bên sẽ công nhận số liệu của bên kia cung cấp và sẽ phải sử dụng sau khi tiến hành thẩm tra.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục