Công tác điều hành nền kinh tế đang đi đúng hướng

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. TS Võ Trí Thành nói thêm, liều lượng chính sách là vô cùng quan trọng. Dường như một số giải pháp là quá thắt chặt, dẫn đến một sự “hạ cánh cứng” hơn mức dự kiến.
Công tác điều hành nền kinh tế đang đi đúng hướng

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP. TS Võ Trí Thành nói thêm, liều lượng chính sách là vô cùng quan trọng. Dường như một số giải pháp là quá thắt chặt, dẫn đến một sự “hạ cánh cứng” hơn mức dự kiến.

TS Võ Trí Thành

TS Võ Trí Thành

- Phóng viên: Thưa ông, gần đây các tác giả báo cáo kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát hành tiếp tục bày tỏ hoài nghi về cách tính GDP và một số chỉ số kinh tế vĩ mô của Tổng cục Thống kê. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

>> TS VÕ TRÍ THÀNH: Theo tôi hiểu thì đó là quan điểm của nhóm tác giả ấy chứ chưa chắc đã là quan điểm chính thức của Ủy ban Kinh tế. Thực ra thì cho đến nay chưa có quốc gia nào tính được GDP chính xác tuyệt đối cả. Cá nhân tôi cho rằng phương pháp tính GDP của Tổng cục Thống kê là theo tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, vấn đề là số liệu đầu vào. Các định chế quốc tế khi đưa ra những nhận định về nền kinh tế Việt Nam cũng phải căn cứ vào số liệu thống kê chính thức.

So với trước, hệ thống số liệu thống kê của chúng ta đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng để nhìn nhận tình hình cho đúng thì cũng không chỉ căn cứ vào bộ số liệu của Tổng cục Thống kê, mà phải căn cứ vào nhiều nguồn khác nữa, thậm chí là các điều tra được thiết kế riêng, tùy theo mục đích nghiên cứu.

- Nếu nhìn từng năm thì chúng ta luôn thấy có 2 quý liên tiếp tăng trưởng dương, nhưng nếu nhìn dài hạn thì không lạc quan như thế? Vì biểu đồ tăng trưởng qua từng năm luôn bắt đầu thấp, tăng trưởng dần, đạt đỉnh ở quý cuối, nhưng rồi lại bắt đầu thấp vào quý đầu năm sau?

Đúng là tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Dự báo tăng trưởng GDP 5,4% - 5,6%; thậm chí có ý kiến cho là chỉ khoảng 5,2%. Theo dõi biểu đồ tăng trưởng thì thấy có đi lên, nhưng mà đi lên ở mức độ “nhúc nhích” chứ chưa rõ nét. Có thể xem thêm các chứng cứ khác như tăng trưởng tín dụng thì cũng thấy những tháng cuối năm chưa thể bật cao lên được. Nhưng sẽ là không công bằng nếu không ghi nhận một số thành quả trong ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc lạm phát giảm mạnh.

- Lạm phát thấp có phải là thành quả của điều hành?

Đúng vậy. Nhưng nên nói là “kết quả”. Bởi vì lạm phát ở mức này cũng chưa hẳn là hoàn toàn tích cực.

- Ông có thể nhận xét cụ thể hơn về cách thức điều hành nền kinh tế?

Nghị quyết 11 của Chính phủ (Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2011 - PV) là một bước ngoặt trong điều hành của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam không thể đánh đổi tăng trưởng lấy bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhưng cách điều hành cụ thể thì chưa thật tốt; cụ thể là đã có lúc “thắt” hơi quá mạnh. Tỷ lệ tăng tín dụng đang từ 30%/năm, mục tiêu là hạ từ từ xuống trên dưới 20% rồi 15% nhưng thực tế năm ngoái đã rơi thẳng xuống 10% và năm nay, 5 tháng mới được 1,3%, trong khi mục tiêu đặt ra là 12% - 14%. Có lẽ khi bắt đầu thực hiện “thắt chặt”, chúng ta chưa lường hết được tác động của chính sách này khi cộng hưởng với những rủi ro của hệ thống ngân hàng, tín dụng. Tương tự, chỉ số đầu tư xã hội nói chung và đầu tư công cũng giảm mạnh hơn mong đợi.

Phải nói là những mục tiêu mà chúng ta đề ra là khá tham vọng, tôi vẫn nói đùa là “một cú ăn 4”: ổn định vĩ mô, phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải cách thể chế... Trong lúc đó nguồn lực của chúng ta còn hạn chế. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một ví dụ thể hiện rõ sự khó khăn khi phải cùng lúc đạt quá nhiều mục đích.

Cho nên vấn đề là tuy muốn cả 4, nhưng cần đặt ra những mức độ và ưu tiên khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau. Chính phủ tìm đúng “chốt”, giải trình minh bạch và dám chịu trách nhiệm về quyết định điều hành của mình. Nếu chúng ta sợ tăng trưởng quá thấp mà vội đẩy tiền ra thì có thể lại gây bất ổn. Nếu đẩy nhanh hội nhập thì có thể có ngành phát triển nhanh lên, có ngành tụt hậu và chết. Tôi cho rằng, với mục tiêu ổn định vĩ mô thì phải kiên định thực hiện. Quá trình tái cơ cấu phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Ngay cả khi đi theo phương châm đó thì vẫn có một tỷ lệ nào đó rủi ro, nhưng cần phải chấp nhận.

- Theo ông, “sức khỏe” của lĩnh vực tài chính ngân hàng hiện nay ra sao?

Tôi thích hình ảnh mà anh Lê Xuân Nghĩa đã dùng: ít nhất lĩnh vực này đã “ra khỏi phòng cấp cứu”, nhờ đã xử lý thanh khoản và những ngân hàng yếu kém nhất. Giờ cần “điều trị” tích cực nợ xấu, rủi ro gắn với sở hữu chéo. VAMC cũng đã được tăng cường chức năng, quyền hạn, đang chờ thêm những văn bản pháp lý liên quan đến thị trường mua bán nợ để xử lý triệt để nợ xấu bằng “tiền tươi thóc thật”.

Phần lớn các khoản nợ do VAMC xử lý liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản, thế cho nên nếu thị trường bất động sản ấm lên, khung pháp lý - như Luật Kinh doanh bất động sản được điều chỉnh phù hợp thì việc xử lý sẽ nhanh hơn.

Tóm lại, các bài toán đã rõ, nhưng giải không dễ, cần ý chí chính trị quyết đoán và sự tính toán khôn khéo để giảm thiểu tổn phí trong quá trình điều chỉnh.

- Cảm ơn ông!

Theo dữ liệu Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng qua các tháng đầu năm 2014, cán mốc 4%; bất chấp những nỗ lực xử lý nợ xấu, kể cả giải pháp can thiệp của VAMC là mua lại khoảng 47.000 tỷ đồng nợ xấu (tính đến ngày 15-6-2014).

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục