Cơ hội nhiều hơn khó khăn

Trong trường hợp, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu, mức độ ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) TPHCM như thế nào? Trả lời vấn đề này tại cuộc họp chiều 9-6 do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội sẽ nhiều hơn khó khăn.
Cơ hội nhiều hơn khó khăn

Giảm phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc

Trong trường hợp, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu, mức độ ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) TPHCM như thế nào? Trả lời vấn đề này tại cuộc họp chiều 9-6 do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội sẽ nhiều hơn khó khăn.

Ngành may mặc TPHCM đang dần chuyển hướng xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Ngành may mặc TPHCM đang dần chuyển hướng xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Hoạch định lại chiến lược kinh doanh

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TPHCM thông tin: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ TPHCM vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt gần 840 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chính của thành phố vào thị trường Trung Quốc gồm: máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt 275 triệu USD (giảm gần 30% so với cùng kỳ); gạo đạt gần 110 triệu USD (giảm 4,6%) và đây là mặt hàng có sự chuyển dịch thị trường mạnh trong năm 2014, trước đây thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung ở Philippines, Trung Quốc và Indonesia, nhưng hiện nay chuyển dịch mạnh sang thị trường Mỹ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của mặt hàng rau quả của thành phố. Ngoài ra, hàng dệt may thành phố xuất sang Trung Quốc đạt 56,2 triệu USD với mức tăng 76,3% so với cùng kỳ.

Về nhập khẩu, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, ảnh hưởng lớn sẽ là nhóm DN trong nước. “Thành phố có khoảng 70% DN sản xuất hàng gia công lệ thuộc nguyên liệu phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, do vậy khả năng sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ trừ các DN xuất khẩu theo hình thức FOB thì mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn. Trong trường hợp xấu, có thể DN sẽ chuyển sang nhập nguyên liệu từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan”, ông Khoa nói. Tuy nhiên, theo phân tích nếu chuyển sang các thị trường này thì khả năng chi phí nhập nguyên liệu sẽ tăng 10% - 15% và thời gian nhập nguyên liệu cũng sẽ kéo dài hơn.

Nếu ảnh hưởng tiêu cực, thì trong 6 tháng cuối năm 2014, thành phố sẽ bị giảm 0,52% kim ngạch xuất khẩu, tức giảm khoảng 160 triệu USD (dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu TPHCM năm 2014 đạt gần 30 tỷ USD). Ông Khoa đề xuất các DN tại thành phố hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các DN mà tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn tại một thị trường.

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết: Thực tế cho thấy các đơn hàng xuất khẩu những tháng đầu năm nay không thiếu, thậm chí phải giảm bớt đơn hàng nội địa để tập trung cho đơn hàng xuất khẩu. Đối với ngành chế biến gỗ, hiện nay nguồn cung gỗ trong nước từ gỗ rừng trồng đã đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất xuất khẩu. Gỗ nhập từ các nước có sự quản trị rừng bền vững chiếm 50% như Mỹ, châu Âu, còn lại Việt Nam chỉ nhập gỗ từ Trung Quốc khoảng 300.000 USD mỗi năm và một số ít các phụ kiện như rây trượt, tay nắm tủ, ổ khóa nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TPHCM, DN nhựa thành phố đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, trong đó phụ thuộc đến 90% máy móc Trung Quốc và 80% nguyên phụ liệu, vật tư phụ trợ ngành nhựa đều nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng cho rằng trong khó khăn cũng có phần cơ hội cho DN Việt Nam nếu ngân hàng mở rộng cửa hỗ trợ cho DN, đặc biệt là DN phụ trợ sản xuất ống đồng, bảng nhựa … “Nếu DN có thêm ưu đãi về thuế thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập hầu hết từ Trung Quốc. Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội lớn để DN tính toán thay đổi công nghệ sản xuất và sự phụ thuộc vào một phía. Máy móc Trung Quốc rẻ nhưng chất lượng thấp và cồng kềnh, hiệu suất không cao như máy Nhật Bản, Đức”, ông Việt Anh khẳng định.

Sản xuất bóng đèn tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Cao Thăng
Sản xuất bóng đèn tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Cao Thăng

Về góc độ quản lý nhà nước, Giám đốc Sở Công thương Lê Văn Khoa đề xuất Nhà nước tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu như vải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nguyên phụ liệu thuốc trừ sâu, sắt thép cũng như xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng rau quả, cao su, gạo… Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên cho DN sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may được hưởng ưu đãi vay vốn từ nguồn vốn kích cầu, ưu đãi các DN sản xuất các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ tại các khu công nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, trước mắt DN có thể khó khăn nhưng trung hạn, dài hạn thì đây là thời kỳ để DN tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, cơ hội hội nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường mới. Chủ tịch Lê Hoàng Quân yêu cầu các hiệp hội ngành nghề làm đầu mối để kết nối DN vay vốn ngân hàng. Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo ngành thuế, ngành hải quan nghiên cứu thực hiện chính sách miễn, giảm, ưu đãi về thuế đối với DN nhập khẩu thiết bị hiện đại; các ngành tính toán dự trữ nguồn nguyên liệu phòng khi thị trường biến động.

VÂN ANH - ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục