Chống nạn chuyển giá: Phối hợp trong - ngoài tốt mới hiệu quả

Chống nạn chuyển giá: Phối hợp trong - ngoài tốt mới hiệu quả

Chuyển giá là vấn đề gây nhức nhối trong một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay là chuyên gia tư vấn cấp cao của Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), đã trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.

        Cấu kết trốn thuế

* PV: Thưa ông, bên cạnh những đóng góp quan trọng của khối doanh nghiệp FDI vào nền kinh tế, khối này vẫn thường chịu “tiếng xấu” về chuyển giá. Những số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy tiếng xấu này không phải không có cơ sở. Ông có bình luận gì?

* TS PHAN HỮU THẮNG: Nói chính xác thì không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, mà doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá và chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Công tác chống chuyển giá là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chịu trách nhiệm chính là ngành thuế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã tổng kết hàng chục hình thức chuyển giá để cơ quan thuế các nước trên thế giới tham khảo.

* Vậy, họ chuyển giá bằng những phương thức cụ thể nào, thưa ông?

* Bằng cách định giá cao khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên - vật liệu… và khai giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm. Việc này có thể làm cho doanh nghiệp tại nước tiếp nhận đầu tư - dù là vốn của họ - không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ trên danh nghĩa, để nhanh thu hồi vốn đầu tư, đạt được mục tiêu lợi nhuận cao. Và tùy theo tình hình thị trường sau này, họ có thể dừng hoạt động, bán lại doanh nghiệp hoặc giải thể, phá sản. Đối với các nhà đầu tư đã có ý đồ chuyển giá, thì ngay trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án, họ đã chủ động tăng giá đầu vào (máy móc, thiết bị, bí quyết kỹ thuật, sáng chế phát minh…) để “thổi phồng” giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp. Trong quá trình sản xuất và kinh doanh sau này, giá cả máy móc thiết bị mới khi cần bổ sung, thay thế (kể cả trong các trường hợp tăng vốn mở rộng sản xuất) đều được khai vống lên, đẩy mức khấu hao tăng lên. Do vậy giá thành cũng cao lên nên lợi nhuận thấp, hoặc không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Tương tự, trong quá trình sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp cũng kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại), nhằm triệt tiêu lợi nhuận. Một số doanh nghiệp FDI cũng lợi dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam (giảm trừ phần chi phí cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại…) để tuyên truyền quảng cáo cho cả công ty mẹ.

Cần quản lý chặt việc chuyển giá, trốn thuế trong một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp FDI.

Cần quản lý chặt việc chuyển giá, trốn thuế trong một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp FDI.

* Làm sao để bóc tách được hoạt động thực chất của công ty mẹ - con để có cơ sở chống gian lận thuế?

* Khai tăng chi phí trả lãi tiền vay cũng là một cách làm khác. Thường công ty “mẹ” đưa nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện đầu vào mà ở Việt Nam chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo. Công ty “con” ở Việt Nam báo cáo không có tiền lấy hàng, công ty mẹ cho trả chậm để sau khi bán sẽ trả, thời gian trả chậm đó phải có lãi, được tính là chi phí trả lãi tiền vay. Phần lãi thực, thông qua trả lãi, đã chuyển hết ra ngoài cho công ty mẹ, trong khi công ty con thì không có lãi.

Các doanh nghiệp FDI cũng có thể lựa chọn một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn Việt Nam (có nơi chỉ trên dưới 10%, thậm chí như BVI, UAE…, thuế suất này chỉ 0%) để làm địa điểm đặt trụ sở đăng ký đầu tư vào Việt Nam, rồi lợi dụng sự khác biệt thuế suất để trốn thuế. Công ty tại Việt Nam sẽ bán sản phẩm cho công ty mẹ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ nói trên với giá bằng giá gốc để tránh nộp thuế tại Việt Nam. Sau đó, bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi. Do thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Việt Nam bằng 0, hoặc ở mức rất thấp, nên doanh nghiệp không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất thấp.

        Thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin

Chuyển giá là hành vi cấu kết giữa các công ty độc lập ở quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư và tiếp nhận đầu tư. Từ đó, đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều so với giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, “né” các quy định về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài nhằm gia tăng lợi nhuận, thu hồi vốn đầu tư nhanh…

* Như vậy việc xác định hành vi chuyển giá xem ra quá khó?

* Đúng vậy, những dấu hiệu của chuyển giá thì dễ nhận biết, nhưng để kết luận được và đưa ra quyết định có tính chất pháp lý thì không đơn giản chút nào. Để biết giao dịch hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có sát giá thị trường hay không thì phải có thông tin từ thị trường bạn.

* Chẳng lẽ không thể đề nghị cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan quản lý thuế của phía bạn cung cấp thông tin?

Tôi được biết, hiện nay Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ; hiệp định này có một nội dung quan trọng là cơ quan thuế các nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhau. Tuy nhiên, cũng có một thực tế rất tế nhị là vì lợi ích doanh nghiệp nước họ, nên cơ quan nước ngoài thường chậm cung cấp thông tin hoặc cung cấp không đầy đủ; chưa kể những nền kinh tế chưa ký kết hiệp định với ta, họ không chịu sự ràng buộc. Nhưng cũng có thể họ cần có thời gian để tra cứu, tìm hiểu về mặt hàng, doanh nghiệp rất cụ thể mà mình đề nghị cấp thông tin. OECD tổng kết lại thì để xử lý được một vụ chuyển giá, ngay cả ở các nước tiên tiến, với công nghệ quản lý thuế hiện đại cũng phải mất hàng năm trời.

* Vậy làm thế nào để đấu tranh chống chuyển giá hiệu quả hơn?

* Phải có sự phối hợp hành động chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, thuế, thương mại, hải quan… ở trung ương và địa phương; thậm chí cả thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài cũng phải vào cuộc. Đặc biệt, cần thiết lập, xây dựng được cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến giao dịch của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Hơn thế, muốn chống chuyển giá hiệu quả, cơ quan thuế các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Ở trong nước, các cơ quan, tổ chức cũng cần phối hợp với nhau, đánh động dư luận xã hội, vì hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp sẽ để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI, như làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế…

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế), từ năm 2010 đến hết năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 4.857 doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị nghi ngờ chuyển giá. Cơ quan thuế đã kết luận, truy thu 4.200 tỷ đồng, giảm lỗ 11.000 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 335 tỷ đồng đối với hàng ngàn doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Trong năm 2013, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp, đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng; giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng gần 137 tỷ đồng; buộc các doanh nghiệp phải giảm lỗ hơn 4.192 tỷ đồng.

BẢO ANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục