Nhắm chưa trúng, khó phát triển

* Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Đại - Đại học Kinh tế quốc dân - và các cộng sự
Nhắm chưa trúng, khó phát triển

Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ nhiều năm qua là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt cho nền kinh tế, hướng tới 2 mục đích: phát triển công nghiệp nước nhà, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả. Tuy nhiên, những tiến triển trong lĩnh vực này còn rất xa mới đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách. Trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), nhận định:

Có thể nói tuy rất muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng vừa qua chúng ta chưa làm được gì nhiều. Một trong những lý do là chúng ta đặt ra quá nhiều mục tiêu, quá dàn trải. Tất cả xem ra đều quan trọng: từ cơ khí, dệt may, nhựa, cao su cho đến điện tử, công nghệ cao. Nhu cầu thị trường của tất cả các ngành này là có thật. Nhưng ở những mức độ khác nhau, trong khi nguồn lực của chúng ta có hạn. Nói một cách ngắn gọn là mục tiêu chúng ta đặt ra quá to tát, không phù hợp với thực tế, vượt quá khả năng hiện có.

ông Dương Đình Giám
ông Dương Đình Giám

- Phóng viên: Ông có thể phân tích rõ hơn về từng lĩnh vực?

>> Ông DƯƠNG ĐÌNH GIÁM: Ví dụ với cơ khí, chúng ta lựa chọn lĩnh vực khó, cần độ chính xác cao như cơ khí ô tô; trong khi quy mô thị trường ô tô của ta chưa lớn. Đầu ra ít, giá thành sản xuất cao thì không ai muốn làm. Còn linh kiện điện tử, thị trường hiện nay là khá lớn; nhưng đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao. Trong khi linh kiện loại này nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển ở nước ngoài về dễ dàng. Nhựa và cao su cũng có thể làm, nhưng số phụ tùng loại này cũng chiếm tỷ trọng nhỏ, giá trị gia tăng không lớn. Công nghệ cao thì tất cả những gì liên quan đến nó chúng ta đều chưa sẵn sàng…  

- Còn dệt may thì sao, thưa ông? Đó là một ngành có quy mô sản xuất rất lớn?

Đúng vậy, tôi cũng cho rằng nên tập trung phát triển các ngành hỗ trợ cho dệt may. Thị trường có quy mô lớn, công nghệ không quá phức tạp. Chúng ta không nên hy vọng phát triển từ thượng nguồn kiểu “làm cả ăn tất”, từ bông xơ hóa dầu trở đi, mà có thể chọn những phân khúc giữa. Lưu ý là khi Việt Nam gia nhập TPP thì các nước rất muốn tận dụng lợi thế xuất xứ. Làm được điều này thì hàng dệt may của chúng ta vốn đã có lợi thế sẽ càng có lợi thế rất lớn.

- Các giải pháp đã được đề cập như hình thành khu công nghiệp hỗ trợ, phát triển vườn ươm công nghệ cao… đã phát huy tác dụng như thế nào?

Đó là những giải pháp sẽ phát huy hiệu quả, nhưng là về lâu về dài. Yếu tố đầu tiên phải chọn đúng lĩnh vực cần phát triển. Một trong những nhược điểm của ta là muốn đầu tư khép kín cả từ thượng nguồn đến hạ nguồn, mà lại chọn toàn những lĩnh vực, những công đoạn cực kỳ khó và cần đầu tư lớn, đòi hỏi công nghệ cao. Thí dụ như làm cơ khí chế tạo thì chúng ta lại muốn sản xuất luôn cả thép hợp kim. Đi từ các sản phẩm phù hợp với năng lực, nguồn nguyên liệu của Việt Nam, ví dụ như dệt may, hay là dược liệu thì mới khả thi. Tôi rất muốn lưu ý đến nông nghiệp, tập trung vào đó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Không chỉ là chế biến các sản phẩm nông nghiệp đâu, ngay cả cơ khí, sao nhất thiết phải là ô tô mà không phải là máy móc nông nghiệp? Xin nhắc lại là định hướng đúng mới triển khai đúng và có hiệu quả.

* Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Đại - Đại học Kinh tế quốc dân - và các cộng sự

Trong tỷ trọng các nhà cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, các nhà cung ứng trong nước chiếm 47,9%. Các nhà cung ứng nước ngoài đóng tại Việt Nam chiếm 29% và các nhà cung ứng nước ngoài đóng ngoài Việt Nam là 23,1%. Tuy các nhà cung ứng trong nước chiếm tỷ lệ lớn, nhưng xét về tổng giá trị đầu vào lại thấp hơn nhiều so với các nguồn cung ứng khác. Các công ty nước ngoài với định hướng thị trường nội địa có xu hướng mua nguyên liệu tại chỗ nhiều hơn so với các công ty định hướng xuất khẩu.

ANH THƯ thực hiện


GS Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản:
Chú trọng logistics và nguồn nhân lực

Việt Nam từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề kém phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, có nghĩa doanh nghiệp trong nước quá yếu để tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, ngay cả khi có sự hiện diện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này (công nghiệp hỗ trợ - PV) cần được tạo điều kiện thuận lợi, “nâng đỡ” cho đến khi đủ khả năng cạnh tranh trên toàn cầu như một đối tác sản xuất đáng tin cậy đối với khu vực FDI. Chính sách đối với FDI, năng lực địa phương và liên kết FDI - nội địa sẽ mang lại kết quả tốt. Bên cạnh đó là hiệu quả của hoạt động logistics và nguồn nhân lực công nghiệp. Hai yếu tố này tác động tích cực đến tất cả mọi khía cạnh của hoạt động công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

BẢO ANH

Tin cùng chuyên mục