Tăng cường giám sát hoạt động đấu thầu

Tại hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 13-2, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH-ĐT cho biết, các nhà tài trợ ODA đã thống nhất tới đây sẽ áp dụng chung bộ hồ sơ thầu các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) theo mẫu do Bộ KH-ĐT soạn thảo. Dự kiến, mẫu này sẽ được hoàn thiện, ban hành vào cuối năm nay. Đây là bước quan trọng nhằm khắc phục những khác biệt rất lớn về thủ tục - vốn cản trở không nhỏ đối với việc triển khai các dự án ODA.

(SGGP).- Tại hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 13-2, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH-ĐT cho biết, các nhà tài trợ ODA đã thống nhất tới đây sẽ áp dụng chung bộ hồ sơ thầu các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) theo mẫu do Bộ KH-ĐT soạn thảo. Dự kiến, mẫu này sẽ được hoàn thiện, ban hành vào cuối năm nay. Đây là bước quan trọng nhằm khắc phục những khác biệt rất lớn về thủ tục - vốn cản trở không nhỏ đối với việc triển khai các dự án ODA.

Vẫn theo ông Tăng, Luật Đấu thầu 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014) đã đạt được 10 mục tiêu cơ bản. Đáng chú ý là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu; quy định rõ phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong nước; quy định hình thức đấu thầu mua sắm tập trung; đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế... Luật cũng quy định rõ hình thức lựa chọn nhà đầu tư; quy định chặt chẽ hợp đồng trong đấu thầu; phân cấp triệt để; tăng cường giám sát trong đấu thầu và tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu. Ông Tăng cũng đề cập đến vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí. So với hiện hành, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng; bổ sung trách nhiệm về giám sát của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu; đồng thời quy định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với từng hoạt động trong quá trình đấu thầu để có cơ sở quy định chế tài xử lý các hành vi vi phạm tương ứng.    

Về xử lý vi phạm pháp luật trong đấu thầu, đáng lưu ý luật đã bổ sung một số hành vi bị cấm; quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định. Các biện pháp phạt bổ sung cũng đã được cụ thể hóa trong luật, bao gồm đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên báo Đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác; bồi thường thiệt hại theo quy định...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục