Làm rõ số liệu nợ xấu

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 28-10, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 9-2014 nợ xấu đã giảm xuống mức 3,88% tổng dư nợ, thấp hơn mức 4,17% của tháng 6, 4,1% của tháng 7 và 3,99% của tháng 8.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào ngày 28-10, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến cuối tháng 9-2014 nợ xấu đã giảm xuống mức 3,88% tổng dư nợ, thấp hơn mức 4,17% của tháng 6, 4,1% của tháng 7 và 3,99% của tháng 8.

Nợ xấu giảm, tuy chưa nhiều, nhưng là tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhất là khi so với với xu hướng tăng trở lại của nợ xấu trong những tháng đầu năm.

Thế nhưng, một ngày sau đó (29-10), tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình lại cho biết: tính đến giữa tháng 9-2014, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,43% - vượt khá xa con số 3,88% do chính Ngân hàng Nhà nước công bố. Sự chênh lệch về số liệu nợ xấu - vốn đã dần trở thành quen thuộc, sau đó được Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải tại cuộc họp báo của Chính phủ. Theo bà Hồng, hàng tháng NHNN đều báo cáo Chính phủ và Quốc hội về vấn đề xử lý nợ xấu. Đến tháng 9-2014, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là 3,88%. Nhưng trong điều hành, NHNN có kênh đánh giá nợ xấu khác. Tại phiên họp Chính phủ, Thống đốc đã báo cáo Chính phủ về số liệu này, dựa trên cơ sở thông tin tín dụng tổng hợp từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC. Số thống kê nợ xấu của NHNN bao gồm cả định lượng và định tính. Trong đó, định lượng là số liệu từ các ngân hàng, định tính đánh giá trên cả khả năng trả nợ của khách hàng theo chuẩn quốc tế (nếu khách hàng có 1 khoản nợ xấu, tất cả các khoản nợ khác cũng bị coi là xấu). Tính cả nợ đã cơ cấu vào thì sẽ có sự chênh lệch số liệu. “Thống đốc báo cáo Chính phủ nợ xấu là 5,43%, hai con số này chênh lệch là những lý do trên nhằm phục vụ việc quản lý tốt hơn” - bà Nguyễn Thị Hồng nói.

“Phục vụ việc quản lý tốt hơn” - đó là lý do được đưa ra từ phía NHNN. Nhưng với người dân và doanh nghiệp, sự minh bạch về nợ xấu mới là yếu tố quyết định để họ tin rằng cơ quan quản lý đang làm tốt công việc của mình. Người ta khó có thể chấp nhận khi trong họp báo chính thức về hoạt động ngân hàng, NHNN công bố số liệu nợ xấu thấp, nhưng ngay sau đó báo cáo với Chính phủ một số liệu khác cao hơn. NHNN từng nhiều lần khẳng định là số liệu nợ xấu của mình đáng tin cậy hơn các nguồn khác. Vậy tại sao không lấy số liệu đó làm cơ sở chính thức cho quá trình xử lý nợ xấu, mà lại đi công bố con số tổng hợp báo cáo của các tổ chức tín dụng? Thêm vào đó, điều rất đáng suy nghĩ khi một người từng là người trong cuộc - đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng, nguyên Chủ tịch VietinBank cho rằng nợ xấu hiện nay “thực chất chưa được tính đúng, tính đủ”.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục lộ trình xử lý nợ xấu, giảm nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra. Chính phủ sẽ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý và công cụ tốt nhất cho ngân hàng xử lý nợ xấu. Người dân và doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn vào quyết tâm này của Chính phủ. Nhưng để nợ xấu giảm xuống dưới 3% thì trước hết phải làm rõ và thống nhất được hiện nay nợ xấu thực sự là bao nhiêu. Nếu không, dù nợ xấu có giảm cũng chỉ là những con số mà thôi.

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục