Điện muốn tăng, thép và xi măng than khó

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định, bền vững” do Báo Công thương tổ chức ngày 24-7, vấn đề tăng giá điện trở thành chủ đề gây tranh luận giữa hai ngành xi măng, thép với ngành điện.
Điện muốn tăng, thép và xi măng than khó

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định, bền vững” do Báo Công thương tổ chức ngày 24-7, vấn đề tăng giá điện trở thành chủ đề gây tranh luận giữa hai ngành xi măng, thép với ngành điện.

Theo ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), ước năm 2013, sản lượng phôi thép đạt 5,3 triệu tấn (tương đương năm 2012), sản phẩm thép đạt 10 triệu tấn (tăng gần 10% so với năm 2012). Tuy nhiên, ngành thép còn bộc lộ một số tồn tại là: chưa cân đối nhu cầu sản phẩm (có một số sản phẩm cung vượt xa so với cầu, nhưng có nhiều sản phẩm phải nhập khẩu); đa số các doanh nghiệp sản xuất thép với quy mô công suất nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu và chưa thân thiện với môi trường... Về khả năng cung cầu, một số sản phẩm như phôi thép vuông, thép xây dựng hiện vượt 1,5 đến 2 lần so với nhu cầu sử dụng.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, theo quy hoạch ngành xi măng, đến năm 2015 tổng công suất đạt 75 triệu tấn và dư thừa khoảng 10 triệu tấn so với nhu cầu. Xung quanh số liệu về sản xuất của ngành thép và xi măng chiếm tỷ lệ bao nhiêu tổng sản lượng điện thương phẩm, ông Bùi Quang Chuyện cho biết, năm 2010 là 12%, năm 2011 là 11,6%, năm 2012 là 11,4% và dự báo năm 2013 giảm xuống khoảng 10%...

Sửa chữa lưới điện TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Sửa chữa lưới điện TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan đến giá điện, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện giá điện bình quân là 1.600 đồng/kWh. Đến năm 2020, nếu vận hành toàn bộ công suất của ngành điện thì cần có 80 triệu tấn than. Trong khi đó, năm 2012 chỉ khai thác 40 triệu tấn và dự kiến năm nay khoảng 30 triệu tấn. Điều đó có nghĩa sắp tới Việt Nam phải nhập khẩu than.

Cũng theo tính toán của ông Trần Viết Ngãi, giá điện trong tương lai tới sẽ tăng từ 6.200 đồng/kWh lên 8.000 - 9.000 đồng/kWh. Nếu không đủ công nghệ, trang thiết bị sẽ đón nhận hậu quả rất nặng. Ngành điện đang lỗ rất lớn, không đủ tiền để trả cho các ngành khác. Nếu cứ mỗi lần tăng 1% - 5% giá bán điện thì không thấm vào đâu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giai đoạn hiện nay ngành thép đang rất khó khăn, nếu tăng giá điện sẽ làm tăng thêm đầu vào của thép và xi măng mà đầu ra không tăng, thậm chí còn giảm, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ủng hộ việc tăng giá điện để tiến tới cho ngành điện không còn lỗ nhưng ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng cần có lộ trình đặt ra cho phù hợp với tình hình và giai đoạn hiện nay nếu tăng giá điện thì hại nhiều hơn lợi.

Xung quanh việc dự thảo cơ cấu giá điện, trong đó có biểu giá điện riêng cho ngành thép và xi măng cao hơn các ngành sản xuất khác, và tăng so với hiện tại 2% - 16%, ông Nguyễn Văn Thiện cũng cho rằng, giá xi măng Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực. Tại Việt Nam, điện chiếm 15% - 17% trong giá thành xi măng, các nước Đông Nam Á chỉ chiếm 10% - 12%. Tuy nhiên, giá xi măng không thể nâng được.

Do đó, các doanh nghiệp nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn? Thực tế có nghịch lý càng dùng nhiều điện thì càng đắt. Nghịch lý đó phải chấp nhận nhưng hiệp hội không tán thành việc đưa giá điện cho ngành thép, xi măng cao hơn ngành khác.

Trình bày quan điểm về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi cho rằng, 2 ngành xi măng và thép cần sớm đổi mới công nghệ, cơ cấu lại sản xuất và lựa chọn công nghệ như thế nào để tiêu hao điện năng hiệu quả nhất. Ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung cần có quy hoạch lớn để chuẩn bị đón đầu cho việc nhập khẩu nhiên liệu như than, khí, bởi phải tăng giá điện. Còn việc tăng giá điện như thế nào thì phụ thuộc vào cơ chế của Nhà nước, Chính phủ và có đủ điều kiện tái đầu tư phát triển.

Hiện nay, giá bình quân của khu vực là 10 cent/kWh, còn Việt Nam là 7 cent/kWh. Vì giá điện rẻ, nhiều dự án BOT đầu tư vào Việt Nam đã bỏ. Hiện nay, ngành điện lỗ, không có tiền để đầu tư (nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW đầu tư đến 1,7 tỷ USD).

Theo ông Bùi Quang Chuyện, dù muốn hay không giá điện cũng phải tăng. Vấn đề là có nên tăng giá điện với 2 ngành thép và xi măng và 2 ngành phải đổi mới công nghệ. Đến năm 2020, các doanh nghiệp công nghệ lạc hậu không thay đổi thì sẽ phá sản vì tiêu hao nhiên liệu, năng lượng nhiều, giá thành thì không thể cạnh tranh và sẽ phá sản.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục