10 năm sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tại TPHCM

Nâng quy mô và hiệu quả doanh nghiệp

89/90 doanh nghiệp có lợi nhuận
Nâng quy mô và hiệu quả doanh nghiệp

Chiều 25-9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã chủ trì Hội nghị tổng kết “10 năm sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc TPHCM, giai đoạn 2001-2011”. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhìn nhận, TPHCM đã thực hiện tốt công tác sắp xếp và đổi mới DN, đã hoàn thành việc tách quản lý DN khỏi chức năng quản lý nhà nước của các sở, ngành quận huyện. Quy mô và hiệu quả của DN tăng lên, phát huy được vai trò dẫn dắt thị trường, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn do suy thoái kinh tế.

May áo sơmi xuất khẩu tại Công ty cổ phần Việt Hưng. Ảnh: Cao Thăng

May áo sơmi xuất khẩu tại Công ty cổ phần Việt Hưng. Ảnh: Cao Thăng

89/90 doanh nghiệp có lợi nhuận

Theo số liệu tại cuộc họp, sau 10 năm thực hiện, TPHCM đã sắp xếp, chuyển đổi 385 DN, bao gồm 195 DN đã cổ phần hóa (CPH), 90 DN đã chuyển đổi thành TNHH một thành viên, 2 DN thành công ty TNHH 2 thành viên, 62 DN sáp nhập, 11 DN giải thể, 11 DN phá sản, 6 DN chuyển thành đơn vị sự nghiệp, 2 DN được giao cho người lao động và 6 DN đã được bán. Tính đến thời điểm 31-12-2011, TPHCM chỉ còn 90 DN 100% vốn nhà nước (không bao gồm Công ty Đầu tư tài chính nhà nước), hoạt động trong các lĩnh vực như nông, lâm ngư nghiệp, giao thông vận tải, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ thương mại. Mục tiêu sắp xếp, cơ cấu DN đã được điều chỉnh cơ bản, số lượng DNNN giảm mạnh, chỉ còn hơn 1/4 so với năm 2001.

Đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN sau sắp xếp, đổi mới, Ban Đổi mới quản lý DN TPHCM, các DN sau khi CPH đều có bước phát triển tích cực. Quy mô DNNN tại TPHCM được tăng lên, chủ yếu là DN vừa và lớn. Tổng DN hoạt động có lợi nhuận là

89/90 DN, chiếm tỷ lệ 98,88% (riêng Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, kết quả kinh doanh năm 2011 lỗ 1.651 triệu đồng do dự phòng khoản nợ khó đòi). Tại thời điểm 2011 so với thời điểm năm 2001, vốn tăng 2,51% lần, doanh thu tăng gấp 4,46 lần, nộp ngân sách tăng 3,12 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 3,92 lần, thu nhập người lao động tăng 2,81 lần, số lao động giảm 0,19 lần, số DN kinh doanh thua lỗ từ 10% giảm còn 5,9%. Nhiều DN đã giữ vững và phát huy các thương hiệu mạnh như Saigontourist, Ben Thanh group, Satra, Vissan, SJC, Samco, Liksin…

Còn nhiều khó khăn

Theo Ban Đổi mới quản lý DN TPHCM, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới DN trên địa bàn TP còn rất nhiều khó khăn. Quy định Luật Phá sản còn nhiều điểm chưa hợp lý, thủ tục phá sản kéo dài, do vậy trong hơn 10 năm nay DN thuộc diện phá sản không thực hiện được. Tương tự, với những DN thuộc diện giải thể tới nay cũng chưa giải quyết xong do DN đã ngưng hoạt động lâu năm, cán bộ quản lý đã nghỉ, đơn vị quản lý là sở, ngành, quận huyện cũng qua nhiều kỳ nên không đủ hồ sơ pháp lý làm thủ tục giải thể. Một số DN hoạt động kém hiệu quả khi sáp nhập làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của DN nhận sáp nhập.

Trong vấn đề CPH, từ năm 2008 đến nay tiến độ CPH bị chậm lại là do sự thay đổi quy định về xác định giá trị DN phải tính “giá trị lợi thế vị trí” đã gây khó khăn và bất cập trong việc định giá đất để đưa vào giá trị CPH. Giá trị DN tăng cao nhiều lần làm tăng vốn thực có, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, tỷ suất lợi nhuận trong phương án CPH giảm mạnh…

Ở góc độ DN, ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty TNHH MTV Văn hóa Sài Gòn, cho biết sau 8 năm hoạt động đã bộc lộ thực trạng: Với DN có sản phẩm tốt, có ngành nghề hoạt động phù hợp với thị trường thì ngày càng phát triển. Nhưng với những DN có cung cách làm ăn không còn phù hợp, không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường đã rơi vào tình trạng suy thoái. Theo ông Hoàng, trong thời gian tới, tái cơ cấu DNNN cần phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Với những công ty suy thoái, nhà nước cần thoái vốn để chuyển đổi hình thức hoạt động nhằm giải quyết dứt điểm khó khăn, không nên kéo dài từ năm này qua năm khác.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, tái cấu trúc DNNN đang là trọng tâm của chương trình tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. TPHCM sẽ tập trung đánh giá thực trạng DNNN do TP quản lý để triển khai các giải pháp tái cấu trúc DN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng. Tái cấu trúc DN tại TP sẽ gắn với việc tập trung đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực phục vụ chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 2011 - 2015.

Với những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các DN, TP sẽ tổ chức các cuộc họp chuyên sâu để bàn về các vấn đề như bán phần vốn nhà nước ra sao, đặc biệt với những DN làm ăn không hiệu quả nhưng đang sở hữu những mặt bằng tốt thì phải xử lý theo phương án nào để hài hòa lợi ích các bên. “Chúng ta không kêu khổ, kêu khó nữa mà cần phải làm tốt hơn. Trong thời gian tới, tái cơ cấu DN phải đi vào thực chất, không chạy theo số lượng, tạo điều kiện cho các DN tập trung đầu tư vào công nghệ mới để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, theo đó hiệu quả DN sẽ được nâng lên. Đây là cơ sở để TPHCM từng bước xây dựng đội ngũ DN có năng lực, có thương hiệu tầm cỡ cả nước và vươn ra khu vực” - Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà kết luận.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục