Kinh tế Việt Nam - Cải cách để nâng tầm vị thế quốc gia

Lại thêm một năm nền kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp với nhiều biến động khôn lường. Trong bối cảnh ấy, năm 2010 nước ta đã ngăn chặn được suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao: GDP tăng 6,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD; nợ công nằm trong giới hạn an toàn... Tuy nhiên, nước ta cũng đang đứng trước những thách thức to lớn, mà nếu không chủ động hóa giải, sẽ phải đối diện rủi ro rơi vào “cái bẫy thu nhập trung bình” – bước lùi lâu dài sau khi gặt hái thành quả cải cách.
Kinh tế Việt Nam - Cải cách để nâng tầm vị thế quốc gia

Lại thêm một năm nền kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp với nhiều biến động khôn lường. Trong bối cảnh ấy, năm 2010 nước ta đã ngăn chặn được suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng khá cao: GDP tăng 6,78%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD; nợ công nằm trong giới hạn an toàn... Tuy nhiên, nước ta cũng đang đứng trước những thách thức to lớn, mà nếu không chủ động hóa giải, sẽ phải đối diện rủi ro rơi vào “cái bẫy thu nhập trung bình” – bước lùi lâu dài sau khi gặt hái thành quả cải cách.

  • Vượt qua bão tố

Những ngày cuối năm cùng với nhịp điệp xoay vần tạo hóa, vạn vật như tươi mới hơn, lòng người cũng thảnh thơi, nhẹ nhõm hơn để chuẩn bị đón mừng xuân mới. Người dân cả nước với niềm tin và tâm thế mới hân hoan hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần XI với định hướng vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2015 và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Sự lạc quan ấy là có cơ sở. Năm 2010, nước ta tổ chức nhiều sự kiện lớn thành công: Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 với cương vị Chủ tịch ASEAN... Không chỉ dư luận trong nội khối mà các đối tác lớn trên thế giới đều đánh giá cao vai trò, vị thế Việt Nam. Chưa bao giờ nguyên thủ các nước lớn trên thế giới tụ hội đến Việt Nam đông đảo và với tinh thần cởi mở, có thiện chí hợp tác đến vậy.

Siêu thị và các trung tâm thương mại - điểm đến mua sắm được yêu thích của người dân.Ảnh: VIỆT DŨNG

Siêu thị và các trung tâm thương mại - điểm đến mua sắm được yêu thích của người dân.Ảnh: VIỆT DŨNG

Riêng lĩnh vực kinh tế, nước ta không thể thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực trong bối cảnh chung tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp. Tuy nhiên Việt Nam là một trong số các nước được đánh giá có giải pháp ứng biến thích nghi thời cuộc, hạn chế tác động tiêu cực hiệu quả. Thực tế đến cuối năm 2009 nước ta đã chống suy giảm thành công, kinh tế phục hồi, việc bù lãi suất chấm dứt. Đầu năm 2010, kinh tế vĩ mô dần được ổn định, lạm phát kiềm chế ở mức thấp nên vào giữa năm Chính phủ chủ trương kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm xã hội...

Tuy nhiên vào quý 4-2010 tình hình lại diễn biến phức tạp: Lạm phát tái bùng phát do giá cả thế giới tăng mạnh, thiên tai dồn dập trong nước khiến nhóm hàng lương thực – thực phẩm tăng đột biến. Tuy vậy, nét son đáng ghi nhận là ta đã hoàn thành về cơ bản các chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong năm 2010. GDP đạt 6,78%, tăng 0,28% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có chỉ số tăng trưởng cao nhất thế giới.

Chúng ta đang sống trong một thế giới không bình yên. Năm 2008 khủng hoảng tài chính - tiền tệ từ Mỹ lan rộng ra toàn cầu; 2009 suy thoái kinh tế, khủng hoảng giá dầu; 2010 khủng hoảng nợ công (châu Âu), khủng hoảng thị trường vàng. Và các chuyên gia đã dự báo có khả năng năm 2011 thế giới sẽ khủng hoảng giá lương thực – thực phẩm. Cuối quý 3 năm nay Viện Nghiên cứu quốc tế các chính sách thực phẩm (IFPRI) cho biết hiện nay có 1 tỷ người trên thế giới bị đói, mỗi tối họ đi ngủ với bao tử rỗng, chủ yếu ở 30 quốc gia châu Phi vùng hạ Sahara và khu vực Nam Á.

Tổ chức này cảnh báo tình trạng trên là “đáng báo động và cực kỳ quan ngại!”. Nước ta không rơi vào tình trạng này và trên một phương diện khác, tình hình diễn biến ngược lại: Theo công bố mới nhất của Tập đoàn AT Kearney (nổi tiếng chuyên xếp hạng bán lẻ trên thế giới) năm 2010 Việt Nam đứng thứ 14 trong 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới, có tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 20%/năm. Điều này chứng tỏ dân cư có thu nhập ổn định và ngày càng tăng. Với triển vọng đó, Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu RNCOS (Mỹ) dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt doanh số 85 tỷ USD vào năm 2012. Hình ảnh này trái ngược với cảnh “thắt lưng buộc bụng” của người dân Âu-Mỹ vào dịp đón năm mới 2011 và lý giải tại sao các mặt bằng ở các địa điểm bán lẻ tốt nhất ở TPHCM, Hà Nội hiện nay đều có các thương hiệu thời trang, hàng tiêu dùng cao cấp hàng đầu thế giới chiếm lĩnh, đón đầu cơ hội kinh doanh trong tương lai gần.

  • Đột phá khâu then chốt

Điểm yếu lớn nhất nền kinh tế nước ta là tăng trưởng chưa bền vững, nguy cơ lạm phát luôn tiềm ẩn. CPI năm 2010 vượt lên 2 con số, lên đến 11,75% là một thách thức lớn. Nếu không kiềm chế, triệt tiêu hiệu ứng lạm phát nóng thì chỉ tiêu tăng trưởng sẽ mất đi nhiều ý nghĩa, bởi thực tế người lao động sẽ thu nhập âm, không hưởng được thành quả tăng trưởng.

“Bước sang giai đoạn phát triển mới, thực tiễn đang thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện hơn, phát huy cao độ sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của đồng bào ta ở cả trong nước và ngoài nước, quyết tâm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
(trích báo cáo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII)

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến lạm phát cao là suốt giai đoạn 2005-2009, nước ta đã tăng cung tiền và tín dụng nền kinh tế quá nóng, từ 30-50% để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đó các nước trong khu vực có chỉ số tương ứng chỉ khoảng 10-20%. Năm 2010 các nền kinh tế trong khu vực đều bị tác động bởi giá cả thế giới tăng, thiên tai dồn dập nhưng CPI của Trung Quốc vào khoảng 5,1%; Thái Lan: 3,4%, Philippines: 4,5%... trong khi đó ta tăng vọt đến 2 chữ số! Vấn đề nóng đặt ra năm 2011 là phải tiết chế cung tiền phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, không đầu tư ào ạt để “làm đẹp” chỉ số tăng trưởng bằng mọi giá. Có siết chặt đầu vào, tăng hiệu quả đầu ra nền kinh tế mới có thể kiểm soát và tiến tới triệt tiêu mầm móng lạm phát nóng.

Thực trạng nền kinh tế nước ta đang đan xen nhiều gam màu sáng tối. Từ 45,6% tổng GDP cách đây 5 năm, đến 2010 khu vực kinh tế tư nhân đã tăng lên chiếm 48% GDP, tạo ra 50,2% việc làm cả nước. Trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước chiếm 40,8% tổng vốn kinh doanh nhưng đóng góp chỉ bằng một nửa khu vực tư nhân, 23,9% tổng số việc làm xã hội, nộp ngân sách vào khoảng 20%.... Sự yếu kém của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm gia tăng lạm phát.

Do đó, tình thế mới đòi hỏi phải quyết liệt cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. Phải bảo đảm bằng thể chế quyền bình đẳng thật sự về các cơ hội tiếp cận các nguồn lực (đất đai, tín dụng, lĩnh vực đầu tư…) và xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; xóa bỏ bao cấp và ưu đãi dưới mọi hình thức đối với doanh nghiệp nhà nước; đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường kinh doanh bình đẳng và chịu sự kiểm soát, giám sát chung như mọi thành phần kinh tế.

Giải tỏa được “điểm nghẽn” này sẽ tạo ra nguồn lực to lớn toàn xã hội đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Metro là một trong những thương hiệu cung cấp hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới đã thâm nhập vào Việt Nam. Ảnh: T.L.

Metro là một trong những thương hiệu cung cấp hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới đã thâm nhập vào Việt Nam. Ảnh: T.L.

Cải cách, nâng chất nền kinh tế là yêu cầu bức thiết hiện nay. Đó không chỉ là ý muốn của các cấp lãnh đạo, các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách vĩ mô mà còn là yêu cầu thực tế của người dân. Bởi lẽ không ai muốn cùng trên một đơn vị diện tích, ngày công lao động, cùng tiêu tốn lượng vật tư, nguyên liệu hữu hình… mà năng suất, hiệu quả không tăng hoặc giảm dần; thu nhập không tăng trong khi chi phí đời sống lại tăng cao. Đó là bài toán cần hóa giải trên bước đường phát triển mới. Nước ta cứ mãi là quốc gia có “thu nhập trung bình” hay có thể đạt ngưỡng “nước có thu nhập cao” tùy thuộc vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bắt kịp các nước khác, trở thành nền sản xuất có giá trị gia tăng cao. Đó cũng là cách nâng tầm vị thế quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục