Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở TPHCM - Tiến triển lạc quan

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở TPHCM - Tiến triển lạc quan

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII đã xác định Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một trong 5 chương trình đòn bẩy của TP. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực và tiếp tục được Đảng bộ TP khóa IX chọn là một trong 6 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2011 - 2015. 

Kinh tế dân doanh trỗi dậy

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: Thái Bằng

Một góc trung tâm TPHCM. Ảnh: Thái Bằng

Theo đánh giá của Sở KH-ĐT TP, đến hết năm 2009 thành phần kinh tế ngoài nhà nước đã chiếm 49,3% GDP của TP (năm 2006 tỷ trọng này là 46,8%). Cùng mốc thời gian, tỷ trọng trong GDP của kinh tế nhà nước đã giảm từ 32,5% xuống còn 27,4%; còn thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 20,7% lên 23,3% GDP. Sự dịch chuyển này hoàn toàn đúng chủ trương của TP là chấn chỉnh lại khối DNNN, xã hội hóa đầu tư, nhà nước chỉ nắm giữ những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân nhằm phát huy được tiềm năng, sự năng động và nguồn vốn to lớn trong dân cũng như thu hút vốn đầu tư của nước ngoài để phát triển TP. Tuy nhiên, khối kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều tiềm năng để “phất cờ” cao hơn nữa khi biết rằng khối doanh nghiệp này chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp và trên 50% về tổng vốn đăng ký.

Sự đóng góp của các ngành trong GDP cũng dịch chuyển theo hướng mong muốn của TP, lĩnh vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng dần theo từng năm. Năm 2006 khu vực dịch vụ chiếm 51,3% GDP, năm 2010 dự kiến vươn đến 54%. Nguyên nhân tạo nên xu hướng đáng mừng này là do chi phí cơ hội đầu tư ở TP ngày càng tăng, đòi hỏi DN phải lựa chọn những ngành có suất sinh lợi cao. Cùng với đó, hiện tượng di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ở TP về các địa phương lân cận và những mặt bằng cũ được chuyển đổi công năng sang phục vụ cho các ngành dịch vụ. Ngược lại, tỷ trọng trong GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng giảm dần, từ 47,4% trong năm 2006 dự kiến sẽ còn 44,8% trong năm nay. Khu vực nông nghiệp có giảm, năm 2010 này dự kiến chiếm 1,2% GDP so với 1,3% của năm 2006. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp lại tăng cao, doanh thu bình quân 1ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2009 đạt 138,5 triệu đồng/ha, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2005 là 63 triệu đồng/ha/năm.

Hướng đến trung tâm tài chính quốc tế

Trong yêu cầu phải tiến lên một đô thị dịch vụ, đặc biệt dịch vụ tài chính, TPHCM có nhiều lợi thế hơn hẳn các thành phố khác của cả nước. PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định: “Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng GDP của TP đạt gấp 1,5 lần tỷ lệ tăng GDP của cả nước. Nhờ đó, TP ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với đất nước. Dù chỉ chiếm 7% dân số và hơn 6% lực lượng lao động cả nước nhưng TP đã đóng góp trên 20% GDP cả nước, 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 28% giá trị dịch vụ, 30% - 35% kim ngạch xuất khẩu, 30% tổng thu ngân sách và 20% tổng vốn đầu tư của cả nước. TP là nơi đầu tiên của cả nước phát triển thị trường chứng khoán và cũng là nơi có nhiều ngân hàng tên tuổi trong nước và nước ngoài… 17/39 ngân hàng thương mại cổ phần của cả nước có trụ sở ở TP nhưng TP chiếm đến 30% - 40% tổng huy động vốn và cũng chừng ấy tổng dư nợ cho vay của cả nước”.

Ngoài những lợi thế trên, PGS-TS Sử Đình Thành (Trường ĐH Kinh tế TPHCM) còn cho rằng TP là nơi hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một trung tâm tài chính lớn trong khu vực. TP có cảng biển nối trực tiếp với các nước; tổng dư nợ cho vay và vốn huy động của các ngân hàng cộng thêm số vốn hóa trên thị trường chứng khoán và số vốn huy động của thị trường bảo hiểm thì tổng số tài sản tài chính của TPHCM chiếm gần 50% tổng tài sản tài chính của cả nước…

Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ (Trường ĐH Kinh tế TPHCM), TP cần gấp rút xác định được cần phải làm gì với ưu thế địa - kinh tế - chính trị “trời cho” của mình để trở thành một trung tâm tài chính của khu vực. TP không thể cứ mãi loay hoay với hàng loạt công việc hành chính và sự vụ hàng ngày. Có thể thấy rằng các loại hình dịch vụ như tài chính ngân hàng, du lịch, bưu chính viễn thông… của TP tăng trưởng cao phần lớn do nỗ lực của bản thân các ngành đó hơn là nhờ chính sách của TP. Do vậy, TP cần cải thiện các tiêu chí của một trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế như chi phí kinh doanh, hệ thống thuế, hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, chuẩn mực pháp lý… Để TP tăng tốc nhanh hơn, vươn đến một trung tâm dịch vụ đẳng cấp quốc tế sớm hơn, TP rất cần những tư duy phát triển mới, mạnh dạn “buông” những cái không còn phù hợp, bổ sung những “lối đi” mới, bắt kịp những xu hướng phát triển mới của thế giới.

TRƯƠNG MẠNH HOÀI

Tin cùng chuyên mục