Đồ gỗ xuất khẩu: Ẩn số... lạc quan?

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) dự báo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2011 có thể chạm mức 4 tỷ USD. Một con số ấn tượng với tốc độ phát triển rất cao, khoảng 30%. Với tham vọng đạt tăng trưởng 35%/năm, ngành gỗ Việt Nam sẽ đạt mốc 7 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều đạo luật mới tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam cũng đặt ra nhiều thách thức.
Đồ gỗ xuất khẩu: Ẩn số... lạc quan?

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) dự báo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2011 có thể chạm mức 4 tỷ USD. Một con số ấn tượng với tốc độ phát triển rất cao, khoảng 30%. Với tham vọng đạt tăng trưởng 35%/năm, ngành gỗ Việt Nam sẽ đạt mốc 7 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều đạo luật mới tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của đồ gỗ Việt Nam cũng đặt ra nhiều thách thức.

Năm 2010, theo Bộ Công thương, tốc độ tăng trưởng sản phẩm gỗ tăng khoảng 35%, với kim ngạch 3,5 tỷ USD, trong khi dự báo từ đầu năm ở mức 3 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Vietforest, năm 2010, các thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đều có mức phục hồi đáng kể so với năm 2009, trong đó thị trường Mỹ tăng 15%, các nước EU khoảng 8%. Một số thị trường mới mà tiềm năng nhập khẩu được nhận định lớn như Nga, Ấn Độ, Trung Đông… các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng đã tiếp cận.

Nếu không kể năm 2009 do khủng hoảng tài chính, ngành gỗ chế biến luôn có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Năm 2004 tăng 88% so với năm 2003 (vượt ngưỡng 1 tỷ USD), năm 2005 tăng 35%, năm 2006 là 24,5%... Mục tiêu đến năm 2020 là 7 tỷ USD, con số này có thể đạt nếu ngành gỗ tiếp tục có tăng trưởng 35%/năm. Sản phẩm gỗ chế biến trở thành mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch thứ 5 sau dệt may, dầu thô, giày dép và thủy sản.

Sản xuất đồ chơi bằng gỗ dành cho trẻ em ở Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành. Ảnh: T. TÂM

Sản xuất đồ chơi bằng gỗ dành cho trẻ em ở Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành. Ảnh: T. TÂM

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, xu thế chung hiện nay sau đợt khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới là xuất hiện doanh nghiệp nhỏ gia công hàng chế biến cho các doanh nghiệp lớn có những đơn hàng khá lớn. Bởi lẽ, những nhà nhập khẩu nhỏ lẻ ở Mỹ bị thu hẹp, chỉ riêng thành phố San Francisco của Mỹ có đến 70% số cửa hàng bán lẻ người Việt đóng cửa, còn lại những nhà nhập khẩu lớn và họ chỉ đặt hàng những doanh nghiệp có năng lực sản xuất.

Từ đó, xuất hiện tình trạng DN nhỏ gia công lại sản phẩm cho DN lớn. Một xu thế khác là sản phẩm đồ gỗ nội thất so với đồ gỗ ngoài trời của các doanh nghiệp đang tăng dần qua từng năm, có giá trị cao hơn, nhưng cũng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng và các chi tiết. Nếu như Malaysia có thế mạnh về nguyên liệu gỗ cao su và sắt thép, Thái Lan mạnh về chế biến nguyên liệu gỗ cao su và da, Indonesia ngoài chế biến nguyên liệu gỗ còn có mây, tre, lá thì Việt Nam lại có thế mạnh tay nghề lao động, nhất là thế mạnh về kỹ thuật - cấu trúc kỹ thuật trên sản phẩm gỗ thiên nhiên. Do vậy, DN chế biến gỗ Việt Nam có thể đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về mẫu mã mà nhà nhập khẩu cần. Đặc biệt, DN Việt Nam không chỉ cạnh tranh mạnh thị phần đồ gỗ ngoài trời mà còn lấn sân đồ gỗ chế biến nội thất.

Với thị trường Mỹ, Việt Nam là nước cung cấp đồ gỗ nội thất thứ 3 thế giới. Xu hướng đặt hàng gỗ nội thất tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Mỹ, đã được nhà nhập khẩu đặt hàng ngày càng nhiều hơn. Giờ đây, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Indonesia, để cùng với Malaysia trở thành 1 trong 2 nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất.

Ngành chế biến gỗ có tốc độ phát triển mạnh mẽ thời gian qua là nhờ chính sách ổn định của Nhà nước và DN đã tận dụng tốt cơ hội khi Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá đồ gỗ, nhà đầu tư các nước tìm đến Việt Nam xây dựng nhà máy. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh và chế biến gỗ tăng gấp 4-5 lần so với năm 2003, giảm tỷ lệ giá trị nguyên liệu gỗ so với trị giá xuất khẩu thành phẩm từ trên 50% xuống 37%. Nhưng nói vậy không có nghĩa là hoàn toàn thuận lợi. Ông Nguyễn Chiến Thắng vẫn luôn dè dặt khi nhận định, năm 2011 vẫn còn là ẩn số.

Bởi kinh tế thế giới chưa hoàn toàn hồi phục, đơn hàng của không ít DN có dấu hiệu giảm trở lại, nhất là những DN nhỏ. Đơn giá bán vì vậy không thể tăng, nhà nhập khẩu sẵn sàng tăng đơn hàng so với năm 2010, nhưng phải có lộ trình... giảm giá bán. trong khi chi phí đầu vào lại tăng lên, từ điện, nước, lao động…. nhưng đáng nói là nguyên liệu gỗ có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, Đạo luật Lacey của Mỹ về cấm buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, khi tuân thủ các quy định, giá gỗ nguyên liệu có thể tăng tới 30% và thời gian để có đủ lượng gỗ cần thiết sẽ phải kéo dài hơn. Qua đó, lợi nhuận từ việc tạo ra sản phẩm gỗ chế biến giảm mạnh, đồng nghĩa với rủi ro tăng lên.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục