Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8: GDP cả năm có thể đạt 6,7%

Trong hai ngày 30 và 31-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8-2010. Chiều 31-8, Văn phòng Chính phủ đã họp báo thường kỳ tháng 8.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8: GDP cả năm có thể đạt 6,7%

Trong hai ngày 30 và 31-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8-2010. Chiều 31-8, Văn phòng Chính phủ đã họp báo thường kỳ tháng 8.

Kinh tế phát triển tích cực

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn các thông tin tại phiên họp Chính phủ tháng 8 cho biết, kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt trên 44,5 tỷ USD, tăng 19,7 so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu tháng 8-2010 giảm còn 0,9 tỷ USD, bằng 15% kim ngạch xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 504.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với kế hoạch cả năm.

Các thành viên Chính phủ có chung nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của quý 3 và quý 4-2010 sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng quý 1, quý 2 do sản xuất trong nước lấy lại được đà tăng trưởng, thương mại toàn cầu đang tăng trưởng nhanh. Vì thế tăng trưởng GDP năm 2010 sẽ đạt khoảng 6,7%, vượt chỉ tiêu 6,5% đã được Quốc hội thông qua; tăng giá khoảng 7%; bội chi ngân sách không quá 5%.

Sản phẩm may mặc của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh: CAO THĂNG

Sản phẩm may mặc của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Ảnh: CAO THĂNG

Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất. Về chính sách tiền tệ, cần điều chỉnh lãi suất tín dụng phù hợp với khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, điều hành tỷ giá ngoại tệ linh hoạt theo hướng ổn định, phù hợp với các cân đối vĩ mô và tăng dự trữ ngoại tệ. Thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát giá cả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giá, hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng giá trong các tháng cuối năm. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt cho các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đã thảo luận, thông qua Báo cáo kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015 trước khi trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, phê duyệt.

Chính phủ cho rằng, trong năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015 cần tập trung phấn đấu quyết liệt phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Năm 2011, nỗ lực phấn đấu tăng GDP khoảng 7,5% và giảm 2% hộ nghèo mỗi năm trong giai đoạn 2011 - 2015.

Nhân sự Vinashin: Chỉ là trước mắt

Về việc ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng GĐ thường trực Đài Truyền hình Việt Nam xin thôi công tác tại đài, ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay Văn phòng Chính phủ chưa nhận được đơn, nếu có đơn sẽ làm theo quy trình công chức cán bộ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều qua, đúng như dự đoán, vụ việc của Vinashin tiếp tục là vấn đề nóng được báo chí đặc biệt quan tâm.

Trả lời báo chí lý do đình chỉ chức vụ TGĐ điều hành Vinashin của ông Trần Quang Vũ và ông Trần Văn Liêm, ủy viên HĐQT Vinashin, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện nay bên cạnh việc tái cơ cấu, củng cố toàn diện Vinashin, Chính phủ đang chỉ đạo để thanh tra, điều tra dấu hiệu sai phạm của Tập đoàn và các cá nhân. Trong quá trình điều tra, thanh tra đã phát hiện dấu hiệu sai phạm của hai cá nhân này, vì vậy, trên cơ sở đề nghị của cơ quan điều tra, Thủ tướng đã cho ý kiến đình chỉ công tác ông Vũ và ông Liêm để phục vụ quá trình điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng.

Ông Trần Quang Vũ được giao làm TGĐ điều hành của Vinashin từ 1-7-2010, sau khi Chủ tịch HĐQT Vinashin cũ bị bắt giữ. Chỉ 2 tháng nhậm chức, ông Vũ bị đình chỉ, liệu có vấn đề trong khâu bổ nhiệm cán bộ tại Vinashin cũng như của Bộ GT-VT?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, việc tái cơ cấu HĐQT Vinashin là một nội dung quan trọng của việc tái cơ cấu toàn diện tập đoàn này. “Hiện nay đang trong quá trình nghiên cứu lại Điều lệ tập đoàn, quy hoạch phát triển mới của tập đoàn, cơ cấu lại nhân sự. Cả 3 bước này đang được hoàn thiện. Vừa qua, việc bổ nhiệm các vị trí nhân sự mới chỉ nhằm bảo đảm ổn định tình hình của tập đoàn trước mắt, chưa phải lâu dài vì cần có thời gian”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, ông Trần Quang Vũ trước khi làm TGĐ điều hành Vinashin là TGĐ chức năng của Vinashin. “Sau khi ông Phạm Thanh Bình bị bắt, chúng tôi phải đôn ông Vũ lên vì tập đoàn không thể thiếu người điều hành. Việc bổ nhiệm ông Trần Quang Vũ làm TGĐ điều hành Vinashin là để xử lý tình huống của tập đoàn tại thời điểm đó. Còn trong quá trình điều tra, khi phát hiện dấu hiệu sai phạm phải đình chỉ để điều tra”, Bộ trưởng giải thích.

Cũng liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin, ngoài vấn đề nhân sự, việc cơ cấu những khoản nợ của tập đoàn này cũng được Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thông tin, hiện nay, vấn đề nợ lương, bảo hiểm người lao động ở Vinashin cơ bản đã được giải quyết vì đó là ưu tiên số 1. “Các hợp đồng đóng tàu hiện nay rất khả thi. Vừa qua đóng tàu bị đình trệ do khủng hoảng, các chủ tàu thoái vốn, hiện nay họ đã quay lại và Vinashin hoàn toàn có khả năng đáp ứng các hợp đồng đóng tàu”, Bộ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, hiện bộ này đang xây dựng phương án tái cơ cấu nợ cho tập đoàn, kể cả việc xác định lại vốn điều lệ.

Về xử lý nợ của Vinashin, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các dư nợ của tín dụng Vinashin, xem xét, phân loại các khoản nợ để thực hiện cơ cấu nợ, hoãn-giãn nợ cho tập đoàn này.

Dự án đường sắt cao tốc: Chính phủ chỉ nghiên cứu, quyết định thuộc về Quốc hội

Việc Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam sau khi Quốc hội chưa thông qua dự án này đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Thực hư vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng giải đáp tại cuộc họp báo Chính phủ chiều qua.

Vấn đề “tái khởi động dự án đường sắt cao tốc” bắt nguồn từ một văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về lập dự án đầu tư một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan về việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập Dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội-Vinh và TPHCM-Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM. Mục đích để tiếp tục nghiên cứu sâu, toàn diện hơn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM báo cáo Quốc hội. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GT-VT trên cơ sở những ý kiến đóng góp của Quốc hội tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá.

Theo giải thích của Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng, trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội chưa thông qua chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc và Chính phủ chưa có bất cứ hành động nào để đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc là cần thiết, để làm rõ hơn những băn khoăn của QH, mà trước đó với báo cáo tiền khả thi, do khuôn khổ hạn hẹp, nội dung báo cáo chưa đề cập được nhiều vấn đề: thời gian xây dựng, vốn, hiệu quả kinh tế... “Chính phủ chủ trương tiếp tục nghiên cứu dự án này để có thêm nhiều thông tin, nhiều phương án nhằm làm rõ những băn khoăn của QH”, Bộ trưởng cho biết.

Về lý do vì sao chọn đối tác Nhật Bản trong việc lập báo cáo khả thi dự án đường sắt cao tốc, Bộ trưởng cho hay Nhật Bản là nước có tài trợ vốn ODA song phương lớn nhất. Đồng thời Nhật Bản cũng có nhiều hỗ trợ ODA về kỹ thuật không hoàn lại để giúp Việt Nam nghiên cứu quy hoạch, chiến lược cũng như các dự án cụ thể. Trong chương trình hợp tác tài khóa 2010 - 2011 Việt Nam-Nhật Bản, 2 bên có hợp tác nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc tập trung hai đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang cùng với tuyến đường sắt Hà Nội - Nội Bài trong quy hoạch giao thông nội đô. Thủ tướng đồng ý để Bộ GT-VT tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản để triển khai 2 dự án trên.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng phủ nhận thông tin Nhà nước phải bỏ ra 70 tỷ đồng để lập báo cáo tiền khả thi đường sắt cao tốc trước đó. Nếu làm đường sắt cao tốc, chọn doanh nghiệp nào, công nghệ nào, nước nào đầu tư dự án sẽ còn phải tính tiếp, chưa đặt ra lúc này. Trên cơ sở báo cáo khả thi mới xem xét tiếp vấn đề cũng như trình QH thời điểm làm.

Về quan điểm tại sao không mở rộng khổ đường sắt 1.435mm để tiết kiệm chi phí, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, vướng mắc là khâu giải phóng mặt bằng, rất tốn kém, khó làm, vì thế quan điểm xuyên suốt là không thể chỉ duy trì tuyến đường sắt hiện nay mà phải lập tuyến mới. Có thể 5 năm, 10 năm, 20 năm, phải báo cáo QH nhiều phương án. Quyết định đầu tư thuộc về Quốc hội. 

PH. THẢO

Tin cùng chuyên mục