TPHCM tái cấu trúc kinh tế: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TPHCM được những gì? Cần tái cấu trúc kinh tế như thế nào để thực sự trở thành đầu tàu quan trọng của nền kinh tế đất nước? Đây là nội dung chính hội thảo “Đánh giá tác động 3 năm gia nhập WTO và tái cấu trúc kinh tế TPHCM” do Viện Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức ngày 31-8.Cái áo quá chật!
TPHCM tái cấu trúc kinh tế: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Sau 3 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TPHCM được những gì? Cần tái cấu trúc kinh tế như thế nào để thực sự trở thành đầu tàu quan trọng của nền kinh tế đất nước? Đây là nội dung chính hội thảo “Đánh giá tác động 3 năm gia nhập WTO và tái cấu trúc kinh tế TPHCM” do Viện Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM tổ chức ngày 31-8.

Cái áo quá chật!

Không thể phủ nhận, việc gia nhập WTO đã mang lại cho Việt Nam (VN) rất nhiều cơ hội. Riêng tại TPHCM, thời điểm này vẫn chưa có những đánh giá đầy đủ tác động từ WTO vào kinh tế, nhưng việc đối mặt với những khó khăn và thách thức hiện tại, giúp TP đang từng bước vượt lên chính mình, ngày càng khẳng định vai trò đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Ba năm qua, tăng trưởng GDP hàng năm của TP luôn gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước, chiếm 20% GDP cả nước trong năm 2009.

Sản xuất xe buýt tại Tổng Công ty Samco. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất xe buýt tại Tổng Công ty Samco. Ảnh: CAO THĂNG

Gia nhập WTO đã làm cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại TPHCM diễn ra khá rõ nét. Nghiên cứu của ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho thấy, nếu thập niên 90 của thế kỷ trước là thập niên của tăng trưởng công nghiệp, thì năm 2007 đánh dấu sự bùng nổ về tăng trưởng của các ngành dịch vụ và xây dựng.

Bất chấp suy giảm kinh tế giai đoạn 2008- 2009, dịch vụ thương mại vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của TPHCM với 54,5% năm 2010. “Việc chuyển dịch này là quá trình tự nhiên phù hợp với lợi thế của TPHCM, chứ không phải do chính sách thúc đẩy”- ông Thành kết luận.

Tuy vậy, dường như “cái áo cho kinh tế TPHCM đã trở nên quá chật” trong giai đoạn hậu WTO. Theo TS Trần Du Lịch, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, kinh tế của TPHCM được xác định là kinh tế đô thị nên không thể tách rời phát triển đô thị gắn với quy hoạch. Vậy nhưng, từ nhiều năm qua, chúng ta vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Muốn mở rộng việc phát triển kinh tế ra ngoại thành, lại vướng hạ tầng. Di dời cảng ra ngoại thành, lại chưa có đường đi. Muốn “từ giã” các ngành công nghiệp giá trị thấp để phát triển những ngành có giá trị cao (như cơ khí, điện tử, viễn thông, hóa chất, hóa dược và thực phẩm chế biến), lại không thoát được tình trạng gia công…

Nói như TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, sự dịch chuyển đô thị của TPHCM chủ yếu là “đối phó tình thế” do tăng trưởng nhanh, tập trung “nông thôn hóa”. Quy hoạch đô thị bị động, với nhiệm vụ chính là tháo gỡ ách tắc (giao thông, ngập lụt, cung cấp dịch vụ tối thiểu) hơn là phát triển đẳng cấp. Những vấn đề này phản ánh tư duy phát triển đô thị cũ kỹ, không theo kịp thời đại.

“Nếu không xác lập được vị thế của mình thông qua việc tái cấu trúc kinh tế kịp thời, mang tính đột phá để có những bước tiến vượt bậc, nhiều khả năng, TPHCM sẽ bị các tỉnh thành khác đuổi kịp và qua mặt!”- TS Trần Đình Thiên cảnh báo.

Kỷ luật từ thị trường thay chính sách “chọn ngành”

Nhiều năm qua, TPHCM luôn đưa ra những định hướng phát triển kinh tế cho riêng mình, tùy thuộc vào từng giai đoạn, nhưng hiệu quả thực tế chưa như mong muốn. Một số công trình trọng điểm của TP triển khai chậm. Nhiều ngành chủ lực đang có tốc độ tăng trưởng thụt lùi.

Giai đoạn sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM cần chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc kinh tế theo hướng đặt chất lượng tăng trưởng lên hàng đầu. TPHCM cần phải là một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của cả nước, song song với việc đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. TS Trần Du Lịch cho rằng, cần đổi mới về tư duy, trong đó phân rõ Nhà nước làm gì- doanh nghiệp làm gì.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nền kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung ngày càng trở nên phức tạp nên việc “tinh chỉnh” các ngành kinh tế bằng công cụ chính sách không còn khả thi. Các cam kết về thương mại tự do cũng loại bỏ khả năng Nhà nước hỗ trợ trực tiếp các ngành phát triển.

Thực tế này cho thấy, TPHCM cần từ bỏ chính sách “chọn ngành”. Thay vào đó, kỷ luật từ thị trường phải được áp đặt lên hầu hết các hoạt động kinh tế. Ngoài việc ủng hộ quan điểm rất mới này, nhiều đại biểu cũng cho rằng, để phát triển bền vững, nhất là tránh rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” trong giai đoạn 2011-2020, ngay bây giờ, chúng ta phải thay đổi tư duy về tăng trưởng kinh tế. Trong đó xem trọng hơn nữa vai trò của doanh nghiệp dân doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển thị trường đất đai và công nghiệp phụ trợ…

TS Trần Du Lịch khuyến nghị, đã đến lúc chúng ta hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường gắn với việc tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, loại bỏ ưu ái đối với doanh nghiệp nhà nước; tăng tỷ trọng các nhân tố năng suất tổng hợp, thay cho việc tăng vốn và khai thác tài nguyên như hiện nay. 

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục