Hàng Việt Nam chất lượng cao: Chuyện 10 năm hợp tác

Quan hệ hợp tác giữa TPHCM và An Giang xuất phát từ mong muốn của hai địa phương là: tìm mọi cách để hai địa phương cùng phát triển.
Hàng Việt Nam chất lượng cao: Chuyện 10 năm hợp tác

Quan hệ hợp tác giữa TPHCM và An Giang xuất phát từ mong muốn của hai địa phương là: tìm mọi cách để hai địa phương cùng phát triển.

Đầu thập niên 2000,  lãnh đạo tỉnh An Giang, trong trao đổi với lãnh đạo TPHCM đã cho biết, họ đặc biệt quan tâm tới Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) và họ tin rằng những thương hiệu mạnh này sẽ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng  ủng hộ hàng VN. Lãnh đạo TPHCM  cảm thấy đây cũng là cơ hội để hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng thị trường Campuchia (CPC).

Một thực tế khách quan là hơn 50% doanh nghiệp (DN) VN trong lực lượng này trên cả nước lại là DN của TPHCM. 14 năm qua, chương trình HVNCLC, một chương trình mà Nhà nước đồng hành cùng DN về chủ trương, định hướng đã dần hình thành một mô hình xúc tiến năng động và hiệu quả.

Mỹ Hảo tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Campuchia.

Mỹ Hảo tìm được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Campuchia.

Trước  năm 2000, có một vài hội chợ hàng VN được tổ chức ở CPC nhưng không tạo ấn tượng. Cho đến năm 2000, khi TPHCM hợp tác với tỉnh An Giang tổ chức Hội chợ HVNCLC tại An Giang thì cánh cửa đưa hàng Việt sang CPC tự nhiên mở. Chẳng là  An Giang vốn có mối quan hệ thật gắn bó, hữu hảo với hầu hết các tỉnh thành CPC, do vị trí biên giới và cũng do lãnh đạo tỉnh An Giang rất quan tâm chăm sóc mối quan hệ này.

Ba mục tiêu mà Ban chủ nhiệm  CLB HVNCLC  đặt ra từ năm 2000: xúc tiến thị trường nội địa (ĐBSCL), nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt và xúc tiến thị trường CPC. Liên tiếp 10 năm qua, DN luôn “bỏ phiếu” chọn An Giang làm điểm mở đầu cho chuỗi hội chợ và không năm nào dừng tổ chức ở An Giang, chính là vì họ chọn mục tiêu kép: thị trường đồng bằng và thị trường CPC.

Năm 2001, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Thị Nhân đã “linh hoạt” tham gia đoàn đại biểu của hai địa phương - TPHCM và An Giang đi khảo sát và tìm cơ hội đưa hàng Việt vào thị trường  CPC. Sự thành công chuyến đi “bắc cầu giao thương” ấy là một Hội chợ HVNCLC được tổ chức ở Phnôm Pênh (CPC) năm  2002. Thời gian đầu, Ban chủ nhiệm CLB HVNCLC gặp nhiều khó khăn trong  tổ chức đưa hàng sang nước bạn.

Phiên hội chợ đầu tiên ấy, người tiêu dùng CPC, đi “xem hàng” là chính. Bởi khi nghĩ tới hàng VN thì người tiêu dùng CPC chỉ có ấn tượng là hàng thấp cấp, hàng chợ, giá rẻ, chất lượng xoàng.  Suy nghĩ đó, nay đã thay đổi nhiều, chính là nhờ nỗ lực của DN suốt 10 năm qua.

DN tham gia các lần hội chợ HVNCLC được tổ chức ở CPC ngày càng đông và họ đã bộc bạch với chúng tôi suy nghĩ của mình: TPHCM có hàng, có tấm lòng thiết tha lo cho DN còn An Giang thì có công bắc cầu và mở cửa cho hàng VN sang CPC và các nước tiểu vùng Mekong.

Thực ra nhìn con số kim ngạch tăng, tăng khá nhanh, năm 2000 là 100 triệu USD đến năm 2009, đã là 1,3 tỷ USD thì cũng hiểu là hàng hóa VN ngày càng được ưa chuộng ở CPC, nhưng các con số trên vẫn chưa cho thấy đầy đủ về quá trình và chất lượng của thay đổi trong định vị hàng VN tại thị trường CPC ngày nay.

Trong Hội chợ HVNCLC đầu tiên được tổ chức tại An Giang năm 2000, không chỉ có lãnh đạo của TPHCM và An Giang mà còn có lãnh đạo các tỉnh Kandal và Takeo CPC tham dự lễ khai mạc, và có nhiều khách hàng CPC sang hội chợ mua hàng.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM khi ấy là Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, trong diễn văn khai mạc Hội chợ HVNCLC lần đầu tiên tại khu vực ĐBSCL đã chúc mừng các doanh nghiệp tham gia HC. Ông cho rằng đây là hướng đi mới mẻ và táo bạo của phong trào HVNCLC nhưng đó là việc làm cần thiết để tạo động lực nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt và doanh nghiệp Việt.

An Giang, với 5 cặp cửa khẩu, 8 chợ biên giới nằm trên hơn 100 km đường biên giới, nay lại có khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên và được Bộ Công thương kỳ vọng là tỉnh đột phá đẩy mạnh  xuất khẩu hàng VN sang CPC, nay càng có điều kiện hỗ trợ giao thương VN – CPC.

Hàng hóa VN hiện đi qua rất nhiều cửa khẩu của các tỉnh giáp biên: Kon Tum, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang… và TPHCM đã và đang không ngừng hợp tác với các tỉnh bạn để hỗ trợ việc xuất nhập hàng của DN.

Riêng với An Giang, thực tế 10 năm hợp tác tổ chức chương trình HVNCLC và 9 năm cùng phối hợp xúc tiến thị trường CPC là một minh chứng đã qua thử thách của thời gian về một quá trình, một phương thức hợp tác, qua đó đã xác định mục tiêu: chăm sóc, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thị trường, tăng sức cạnh tranh  của hàng VN. Và trên con đường mà các DN HVNCLC đang đi đó, thâm tình hợp tác TPHCM-An Giang là một viên gạch đóng góp hết sức quan trọng.

THÚY HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục