Đi tìm thương hiệu biển Việt Nam

Lợi thế cảng nước sâu
Đi tìm thương hiệu biển Việt Nam

Nhằm tìm ra vị trí của thương hiệu biển Việt Nam trên trường quốc tế, ngày 19-3, tại tỉnh Quảng Ngãi, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần 2 với chủ đề “Từ cảng nước sâu đến khu kinh tế biển”.

Cảng nước sâu sẽ tạo lợi thế để khu kinh tế Dung Quất phát triển. Ảnh: HÀ MINH

Cảng nước sâu sẽ tạo lợi thế để khu kinh tế Dung Quất phát triển. Ảnh: HÀ MINH

Lợi thế cảng nước sâu

“Nước ta có 3.260km bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo, diện tích mặt biển gấp 3 lần đất liền. Nếu khai thác tốt, đây sẽ là nhân tố chủ lực phát triển kinh tế quốc gia. Chính nhờ có bờ biển dài, lại nhiều cảng nước sâu, nên đã thúc đẩy việc hình thành hàng loạt KKT, góp phần phát triển kinh tế địa phương và đất nước” - mở đầu diễn đàn, PGS-TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, nhận định.

Đại diện Vụ Quản lý các KKT (Bộ KH-ĐT) dẫn chứng thêm, cả nước hiện có 14 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước biển hơn 627.000ha là tiềm năng lớn, lợi thế lớn.

Đến nay, 9/14 KKT đã cơ bản hoàn thành các công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và đang tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Tính đến hết năm 2009, các KKT đã thu hút được 550 dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư 24.415,9 triệu USD và 294.157 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng như nhà máy lọc dầu ở các KKT Nghi Sơn, Dung Quất và Nam Phú Yên…

Ngoài ra, dự án kênh Quan Chánh Bố (Định An), cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, sân bay Phú Quốc cũng đang khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng. Hiện tại, một số dự án lớn và quan trọng tại các KKT đã hoàn thành và đi vào hoạt động góp phần đáng kể cho việc tăng năng lực sản xuất trong ngành công nghiệp và phát triển kinh tế vùng.

“Chiến lược biển Việt Nam đến 2020” đã xác định 5 ngành, lĩnh vực đột phá là: khai thác, chế biến dầu, khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến thủy, hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Trong đó, các ngành kinh tế hàng hải, khai thác chế biến dầu khí gắn với việc phát triển các khu công nghiệp lớn ven biển được coi là ngành, lĩnh vực có lợi thế lớn hàng đầu trong kinh tế biển.

...nhưng mất thế thương hiệu

Theo PGS-TS Vũ Sĩ Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý, khai thác biển và hải đảo, nguyên nhân chính của tình trạng thiếu những thương hiệu lớn về biển là chúng ta chưa trải qua nền kinh tế thị trường, mà đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Mặc dù kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% - 48% GDP cả nước, nhưng kinh tế “thuần biển” chỉ đạt khoảng 20% - 22% tổng GDP cả nước. Trong đó, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải (vận tải biển và dịch vụ cảng biển), du lịch biển.

Còn các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc… mới chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước. Rõ ràng kinh tế biển không phát triển, không thể có những sản phẩm nổi tiếng trở thành thương hiệu lớn. Ngược lại không có nhiều sản phẩm, thương hiệu danh tiếng, kinh tế biển cũng không thể phát triển mạnh.

TS Vũ Sĩ Tuấn cho rằng: “Điều này giải thích tại sao, một đất nước có hơn 3.000km bờ biển với diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển lớn hơn 3 lần diện tích đất liền như nước ta nhưng doanh thu từ biển chỉ hơn 10 tỷ USD, so với 33 tỷ USD của Hàn Quốc, 468 tỷ USD của Nhật và 1.300 tỷ USD toàn cầu. Dù diện tích gấp 50 lần, dân số gấp 16 lần, có bờ biển dài gấp 40 lần Singapore, nhưng chúng ta không có cảng nào có thể so sánh được với các cảng ở Singapore, nên không thể cạnh tranh được dịch vụ vận tải quốc tế bằng đường biển.

Số lượng hàng hóa thông qua các cảng của Việt Nam trên đầu người chỉ bằng 1/5 của Thái Lan, 1/7 của Malaysia và 1/140 của Singapore. Chúng ta có hơn 100 bãi biển đẹp nhưng lại rất thiếu các sản phẩm du lịch biển độc đáo, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao và chưa có một khu du lịch tổng hợp nào đạt trình độ quốc tế.

Cùng nhận định này, nhiều đại biểu phân tích thêm, hàng triệu kilômét vuông đặc quyền kinh tế mà chỉ đem lại khoảng 3 tỷ USD xuất khẩu hải sản một năm nên khó tìm được những sản phẩm biển nổi tiếng của Việt Nam được bày bán trong siêu thị các nước...

Chưa tìm thấy ở Việt Nam những con tàu lớn, những công nghệ đóng tàu hiện đại, những cảng trung chuyển quốc tế, những bãi tắm nổi tiếng và một ngành công nghiệp biển hiện đại… Một quốc gia biển, nhưng các sản phẩm về biển gần như không có tên trên những thị trường lớn. Với thế giới, chúng ta chưa được hình dung như một quốc gia biển.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ TN-MT Nguyễn Văn Đức, muốn trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển để đến năm 2020, kinh tế biển Việt Nam phải đạt 53% - 55% GDP và chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đòi hỏi chúng ta phải nhận diện được một “Việt Nam biển” theo phương châm “Chủ trương từ trung ương, hành động dưới địa phương”.

Hà Minh

Tin cùng chuyên mục