Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên: Chủ yếu dùng lao động Việt Nam

Theo yêu cầu của QH, Chính phủ đã có báo cáo gửi đến các ĐBQH một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc triển khai quy hoạch phát triển các dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin và luyện nhôm. Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng ký đã phần nào làm thỏa mãn thông tin cho các ĐBQH.

Về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê năm 2007, báo cáo này cho rằng tổng trữ lượng quặng bauxite đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn. 

Về các ý kiến lo ngại công nghệ Trung Quốc không còn phù hợp, đối tác Trung Quốc không có công nghệ nguồn, không chuyển giao công nghệ tiên tiến, Chính phủ khẳng định cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều lựa chọn công nghệ Bayer hòa tách bauxite ở nhiệt độ 145oC - áp suất 5 atm cho hiệu suất hòa tách đạt 85,5% và hiệu suất thu hồi alumin toàn bộ đạt 83,6%.

Xung quanh vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, Chính phủ cho rằng, những năm đầu của dự án có một số năm lỗ (lỗ kế hoạch), tuy nhiên đánh giá cả đời dự án là có hiệu quả kinh tế. Hiện nay một số nhà sản xuất alumin lớn trên thế giới như Chalco, Alcoa, BHPB, UC-Russal vẫn đang thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất alumin tại Việt Nam, vì vậy có cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế.

Về tác động môi trường của các dự án bauxite, kết quả phân tích bùn đỏ của bauxite Tây Nguyên đã có kết luận tin cậy về thành phần bùn đỏ không có chất gây độc hại cho môi trường, không có chất phóng xạ và không thuộc loại rác thải nguy hiểm. Hiện nay, công nghệ hiện đại thải và chứa cách ly bùn đỏ đã đạt hiệu quả gần như an toàn tuyệt đối đối với môi trường và đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

Về vấn đề người lao động nước ngoài tại dự án, phần xây dựng mỏ bauxite và khai thác quặng bauxite, phần xây dựng nhà máy tuyển quặng bauxite toàn bộ sẽ do lao động Việt Nam thực hiện. Phần xây dựng Nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC) chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco, Trung Quốc thực hiện, một phần do lao động Việt Nam thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5 năm 2009) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người. Giai đoạn dự án đi vào vận hành toàn bộ lao động là người Việt Nam.

Sau khi Chính phủ có báo cáo về bauxite, tâm lý chung của các ĐBQH là phần nào thấy yên tâm. Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến:

  • ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội)

Trước khi  Chính phủ chưa có báo cáo hầu hết các ĐB, trong đó có tôi đều thấy “nóng” về vấn đề này. Mà đúng là nó sẽ rất nóng nếu không có báo cáo này. Hai hôm nay, chúng tôi đã thấy “giảm nhiệt” rồi dù báo cáo đến quá muộn. Lẽ ra những báo cáo dạng này phải được gửi cho QH thường niên hơn, hàng tháng, hàng quý, tránh tình trạng cứ để “nóng rẫy” lên rồi đến khi QH họp mới hạ nhiệt. Từ đầu đến cuối tôi vẫn ủng hộ việc khai thác bauxite, vì quan điểm của tôi là có tài nguyên thì phải khai thác, trừ những chỗ nhạy cảm, chiến lược. Nhưng vấn đề là ở chỗ khai thác như thế nào.

Báo cáo của Chính phủ đã cho thấy rõ chủ trương khai thác là đúng. Với 5-6 tỷ tấn bauxite, chúng ta mới chỉ triển khai thí điểm 2 dự án, với tính chất vừa khai thác vừa thăm dò thì không có gì quá đáng ngại.

  • ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc)

Cần phải hiểu là không thể dừng những dự án bauxite lại, vì đã có cả một quá trình chuẩn bị lâu dài và được Bộ Chính trị thông qua. Mặt khác, kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này đã thỏa mãn được băn khoăn của giới trí thức cũng như nhân dân. Nếu thực hiện tốt thì sẽ không còn gì phải bàn.

Vấn đề đặt ra bây giờ là nhiệm vụ giám sát thuộc về các ĐBQH, Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của QH, ĐBQH của các địa phương xây dựng các dự án. Nhiều vấn đề phải giám sát tốt như lao động nước ngoài, tác động môi trường, hoặc việc xử lý bùn đỏ là rất khó, vậy TKV phải có phương án thật kỹ lưỡng. Thủ tướng đã chỉ đạo làm từ dự án nhỏ đến dự án lớn, vừa làm vừa thăm dò, điều này là rất đúng. Và trong quá trình đó, QH nâng cao vai trò giám sát. Cần phải có báo cáo hàng năm. Tại kỳ họp lần này, QH cũng cần phải thảo luận điều này thật kỹ càng, để đáp lại mong muốn của cử tri cả nước. Điều gì mà cử tri càng quan tâm, QH càng phải bàn kỹ.

  • ĐB Võ Văn Đủ, Giám đốc Công an tỉnh Đắc Nông

Trước khi đi họp QH, chúng tôi đã tổ chức tiếp xúc cử tri. Nhìn chung, tương đối đầy đủ, với 5 địa bàn có mỏ bauxite. Không cử tri nào đặt vấn đề về việc mỏ bauxite triển khai thế nào. Nhân dân đồng thuận.

Là tỉnh nghèo, chỉ có công nghiệp mới giúp địa phương phát triển. Phát triển kinh tế bao giờ cũng có hai mặt. Nhưng vấn đề nào có lợi thì cứ nên làm. Có thể có mặt tác động về môi trường, nhưng báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rõ hướng xử lý. Tỉnh ủy, địa phương, hội đồng đều đã thống nhất về chủ trương, đều hy vọng kéo theo dịch vụ phát triển, có thêm công ăn việc làm. Những ý kiến góp ý cũng là để phòng ngừa. Trách nhiệm của chúng tôi là làm sao vực dậy đời sống người dân, hạn chế thấp nhất tác động môi trường và đảm bảo an ninh, trật tự cho dự án triển khai. Chúng tôi cũng đã cho kiểm soát lao động nước ngoài, nhưng rà soát thì không có. Chủ trương là chỉ dùng lao động địa phương.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục