Thu hút đầu tư nước ngoài
Theo trang tin The Edge Markets của Malaysia, với con số tăng trưởng ấn tượng trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và tăng trưởng nhanh của khu vực. Thống kê trong năm 2018 cho thấy dù kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro vì cuộc chiến bảo hộ thương mại, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh với con số 7,1%.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, The Edge Markets nhận định, nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng, dân số trẻ cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư là những yếu tố khiến thị trường Việt Nam thu hút giới đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự ổn định trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới cũng như khả năng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu thông qua hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết là điều thuyết phục dòng vốn đầu tư tìm đến với Việt Nam.
Đáng chú ý nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam.
Tân Hoa xã dẫn báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho rằng Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực. Triển vọng kinh tế trong ngắn hạn theo tính toán sơ bộ nhìn chung tích cực.
Tăng trưởng kinh tế được WB dự báo sẽ chững lại còn 6,6% năm 2019 do tín dụng được thắt lại, tiêu dùng tư nhân giảm đà và nhu cầu bên ngoài yếu hơn. WB nhận định xuất khẩu tốt đã giúp Việt Nam duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai trong 8 năm liên tiếp.
Thặng dư tài khoản vốn của Việt Nam vẫn ở mức cao do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB, nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương với những biến động tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu do độ mở cửa thương mại lớn.
Triển vọng của kinh tế kỹ thuật số
Theo tờ Manila Standards, trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức cao 6,8% trong năm 2019 và giảm nhẹ xuống 6,7% trong năm 2020. Mặc dù tăng trưởng của Việt Nam theo dự báo của ADB có xu hướng giảm tốc dần nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia duy trì được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tờ ASEAN Post cho rằng đây là yếu tố giúp nền kinh tế kỹ thuật số trong nước phát triển hưng thịnh và tạo điều kiện giúp lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) của Việt Nam vươn tầm khu vực. Chính phủ Việt Nam đã vạch kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số thông qua nhiều sáng kiến.
Tại Hội nghị Smart Industry World 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng Chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và kết nối cũng như phát triển ngành công nghiệp dựa trên công nghệ kỹ thuật số. Dữ liệu từ Vietnam Briefing cho thấy 39.580 startup đã bước chân vào thị trường Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2017, tăng 14% so với quý 1-2016. Trong bối cảnh khởi nghiệp đang có sự lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam, lĩnh vực fintech trở thành mảnh đất hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư khi thu về 129 triệu USD trong năm 2016.