Tại tổ TPHCM, ĐB Trần Hoàng Ngân ghi nhận những kết quả đã đạt được: Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao, bội chi giảm, giúp cho nợ công giảm xuống (tỷ lệ nợ công Việt Nam trong năm 2018 đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua (chỉ tiêu là 65%)…
Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu những khó khăn trước mắt, tình hình thế giới bất ổn khó lường, kinh tế Việt Nam nằm trong số các quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới.
“Chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động, do đó phải xây dựng kịch bản ứng phó. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vừa là cơ hội, vừa là thách thức, xuất siêu vào Mỹ 34,7 tỷ USD, Việt Nam là 1 trong 6 nước xuất siêu vào Mỹ cao nhất, vì thế nằm trong danh sách mà Mỹ lưu ý. Trung Quốc phá giá tiền tệ sẽ đe dọa đến hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, nếu phá giá đồng tiền Việt Nam thì sẽ gây bất ổn…", ĐB Trần Hoàng Ngân nêu lưu ý.
Cũng theo ĐB Trần Hoàng Ngân, giá dầu cũng sẽ tác động đến Việt Nam, từ đầu năm đến nay giá dầu đã tăng hơn 30%, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ tác động đến CPI, có thể tác động đến kinh tế vĩ mô.
Về môi trường kinh doanh, hiện nay vốn FDI vào Việt Nam khá lớn, trong đó Trung Quốc đứng đầu, do đó đặt ra vấn đề Việt Nam có kiểm soát tốt việc đầu tư vào Việt Nam, lựa chọn công nghệ tốt, lựa chọn nhà đầu tư tốt.
“Làm sao để bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước, không quá ưu đãi cho FDI, cần bảo đảm công bằng với các nhà đầu tư trong nước. Đó cũng là vấn đề phải tính toán”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.
Về kết cấu hạ tầng, hiện nay có nhiều dự án lớn, nhất là giao thông đô thị đang bị nghẽn, Chính phủ cần đầu tư cho vấn đề này, cả về nhân sự, giải pháp, vì nếu hạ tầng nghẽn thì kéo theo nhiều vấn đề khác. Doanh nghiệp đang rất mong chờ giảm lãi suất. Chính phủ cần giảm bội chi, giảm hội họp.
ĐB Phạm Phú Quốc (TPHCM) thì lo ngại nguồn thu ngân sách không ổn định, thu từ đất, từ dầu đều giảm, vì đây là những nguồn thu 1 lần.
“Hàng loạt vấn đề cần có giải pháp như giải ngân đầu tư công rất chậm, kiểm soát lạm phát có nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động. Chính phủ cần có kịch bản để kiềm chế lạm phát, vì giá dầu thế giới đang đà tăng, giá xăng dầu trong nước tăng sẽ tác động đến vĩ mô, nên cần có kịch bản điều hành về tăng trưởng, về kiểm soát lạm phát...”, ĐB Phạm Phú Quốc nói.
Góp ý thêm về các vấn đề Chính phủ cần quyết liệt hơn trong điều hành, ĐB Phạm Phú Quốc cho rằng, cải cách hành chính cần thực chất hơn, vì người dân, doanh nghiệp vẫn đang rất bức xúc. Trước tình hình tai nạn giao thông phức tạp hiện nay, Chính phủ cần có một đề án cấp quốc gia để giảm tai nạn giao thông. Cùng với đó, cần báo cáo rõ về tình hình các tập đoàn, công ty nhà nước hiện nay để đại biểu Quốc hội, nhân dân giám sát.
ĐB Phạm Phú Quốc cũng kiến nghị, lương của cán bộ, công chức phải tiếp tục tăng lên, hiện nay lương không đủ sống nên họ phải “làm ngoài”, có những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu vòi vĩnh, cuối cũng vẫn là người dân, doanh nghiệp lãnh đủ…
ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cho rằng, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, có tiền mà không sử dụng được, tình trạng này kéo dài nhiều năm, lặp đi lặp lại, gây ách tắc. Đó là điều không thể chấp nhận.
“Việc giải ngân vốn cho các công trình trọng điểm là rất cấp bách, nhưng tại sao bị chậm. Ví dụ dự án đường sắt đô thị TPHCM, dưới thì rất cần, Thủ tướng thì đồng ý rồi nhưng vướng mắc thủ tục nên vẫn bị chậm. Chính phủ cần quyết liệt trong vấn đề này, các dự án trọng điểm đã đề ra lộ trình thì cần làm đúng để không làm mất lòng tin của dân”, ĐB Nguyễn Văn Chương phát biểu.
ĐB Nguyễn Văn Chương cũng lưu ý tiếp nhận đầu tư FDI phải có lựa chọn, không được tiếp nhận ồ ạt, ngăn chặn việc đưa vào Việt Nam những công nghệ lỗi thời.
“Quá nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ không nên quá ưu đãi cho FDI, Chính phủ cần lưu ý điều này”, ĐB Nguyễn Văn Chương nói.
Vì sao ma túy vào Việt Nam ngày càng nhiều?
Bên cạnh các ý kiến về kinh tế, nhiều ý kiến ĐBQH lo ngại về các vấn đề xã hội đang gây bất an cho người dân hiện nay.
ĐB Phan Thị Bình Thuận (TPHCM) lo lắng về tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy hiện nay. Nhắc lại vụ án cô gái giao gà ở Điện Biên bị sát hại thương tâm và thủ phạm đều là những con nghiện; nhiều vụ ngáo đá xảy ra rất đau lòng...
ĐB Phan Thị Bình Thuận cảnh báo về thực tế có nhiều loại ma túy tổng hợp được mua dễ dàng ở các quán cà phê, cổng trường học.
“Nếu trước đây nghiện ma túy chỉ là những thành phần bất hảo trong xã hội thì nay cả học sinh, sinh viên, trí thức, công chức.. đều đã sử dụng ma túy tổng hợp. Thời gian qua, đã có tới 4 tấn ma túy bị phát hiện. Đây thực sự đang là một đại nạn cần phải quyết liệt ngăn chặn, nếu không hậu họa là vô cùng”, ĐB Phan Thị Bình Thuận nói.
ĐB cũng đặt vấn đề: phải chăng do chúng ta cải các thủ tục hải quan thông thoáng hơn, là cơ hội để các tội phạm ma túy lợi dụng để vận chuyển, Chính phủ cần đánh giá rõ điều này.
Cùng quan điểm, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cũng lo lắng về tội phạm ma túy chưa bao giờ phát hiện nhiều như hiện nay. Nhiều vụ bị phát hiện qua vi phạm giao thông, chứng tỏ công tác nắm địa bàn chưa sát. TPHCM trở thành nơi trung chuyển ma túy, cần tập trung lực lượng để triệt phá, vì nhiều vụ đã xuất đi trót lọt thông qua đường biển.
“Không loại trừ ma túy vào Việt Nam trót lọt qua đường hải quan, đường hàng không. Cải cách thủ tục hải quan, nhưng nếu không kiếm soát chặt thì tạo kẽ hở cho buôn lậu, vận chuyển ma túy, trốn thuế, đây là điều Chính phủ phải hết sức quan tâm. Cải cách thủ tục nhưng khâu kiểm soát, kiểm tra thế nào phải tính", ĐB Dương Ngọc Hải nêu.
ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cũng nhấn mạnh, các tình trạng tội phạm: giết người, ma túy, nghiện ma túy lái xe.. gây bất an xã hội, Chính phủ cần quyết tâm ngăn chặn.
“Kinh tế phát triển nhưng chất lượng cuộc sống của người dân không cao, tâm lý bất an vì nhiều vấn đề xã hội phát sinh ngày càng nhiều, gắn với văn hóa, đạo đức xã hội. Báo cáo của Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đánh giá sâu hơn về các vấn đề của xã hội, để làm sao tăng trưởng kinh tế nhưng các vấn đề nền tảng văn hóa, xã hội phải được giữ vững”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nêu quan điểm.
ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) băn khoăn: những lĩnh vực thuộc về mảng văn hóa, xã hội, cần lên tiếng để bảo vệ con người tức thời thì Chính phủ lên tiếng rất chậm.
“Ví dụ như tình trạng trẻ em bị dâm ô hiện nay, Chính phủ cần có tiếng nói chính thức, kịp thời, kể cả ra văn bản dưới luật để bảo vệ trẻ em”, ĐB Trần Thị Diệu Thúy nêu.