Đó là thật trăm phần trăm. Ngành nghề khác có làm ăn thua lỗ, có đóng cửa, phá sản thì ngành đặc thù văn hóa này vẫn phát triển bền vững, đi lên.
Vì “miếng bánh” quá lớn, có đủ phần cho tất cả, chẳng hạn lãnh vực sản xuất và kinh doanh vàng mã. Mỗi năm, nước ta có nhu cầu phải “đốt” khoảng 50.000 tấn giấy sơn son thếp vàng cho “thế giới ảo”, cho cái gọi là “trần sao, âm vậy”.
Tính ra sơ sơ cũng “đốt” sạch nguồn thu của cả chục tỉnh nghèo (riêng Hà Nội, con số này là 400 tỷ đồng/năm).
Thật sự lãng phí, xót xa, dù năm nay chúng ta đã tuyên truyền kêu gọi khá mạnh mẽ qua đường “cửa chùa” - Giáo hội Phật giáo và qua kênh thông tin đại chúng. Đấy cũng chỉ là phần nổi của tảng băng khi nhìn đâu cũng thấy xây cất các cơ sở tâm linh, đâu đâu cũng “hòm công đức” đánh vào “lòng thành” của các tín đồ mộ đạo.
Du khách thập phương hành hương Yên Tử
Đã có một bà Chúa Xứ ở núi Sam, An Giang thì cũng phải có bà thứ hai “nhân bản”; đã có một cổ tự cả trăm năm phong rêu ở đồng bằng Bắc bộ thì cũng phải có một đối trọng tầm cỡ hơn, xây cất cả ngàn tỷ đồng ở cùng chỗ…, chờ ngàn năm sau sẽ trở thành chùa cổ.
Chuyện đáng nói nhất, gây tranh cãi nhiều chiều nhất trong tháng Giêng “ăn chơi” là chuyện ở khu tâm linh Yên Tử, Quảng Ninh. Chính quyền nơi đây với mong muốn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hành hương, đã bỏ ra cả ngàn tỷ đồng tu bổ, tôn tạo, xây cáp treo tiện lợi đủ bề, có hẳn một quần thể trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử với khu lưu trú, giải trí thuộc phân khúc cao cấp, trị giá ước tính lên đến cả ngàn đô la/đêm tại khu 5 sao, với tên gọi “Dưỡng chân tâm”.
Có xây cất, tất nhiên phải có hoàn vốn, có “BOT cửa chùa”. Người chỉ muốn đi lễ chùa cũng phải nộp phí tham quan 40.000 đồng/người lớn, ai cũng giống ai, đi cáp treo cũng giống như đi bộ theo đường mòn, cứ đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn… và khoản thu ước sẽ đạt 70 tỷ đồng/năm, chưa kể các khoản phát sinh khác mà người trần chỉ thở dài, muốn có “tâm” đầu tiên phải có tiền.
Khoan nói đúng sai của vấn đề khi ngành văn hóa quả quyết, thu vậy là đúng quy trình, đã qua HĐND tỉnh, qua cấp này kia, song trong thâm tâm chúng ta vẫn gợn khi nghĩ về chữ tâm của vua Trần Nhân Tông xưa khi. Nhà vua đã rời bỏ ngai vàng, rời bỏ châu báu bạc vàng để dạy dân bài trừ mê tín dị đoan, để tu dưỡng đức hạnh vì dân, vì nước.
Tức là chúng ta sẽ có 2 hòm công đức, 1 đặt trước cửa chùa và 1 trong chùa; 1 bắt buộc và 1 “tùy tâm”. Đạo Phật từ xưa đã có câu nói “cửa Phật là bến đò ngang, ai qua cũng trải, ai sang cũng chèo”, tức là người sang, kẻ khó khi đến chùa đều được đối đãi như nhau, bình đẳng như nhau.
Thế mà giờ đây đã có barie ngăn sông, cấm chợ khi đến với cái gốc của đạo nhân. Chỉ vì đó là ngành kinh doanh “siêu lợi nhuận”. Cái gì chúng ta cũng cần: Cần tiền trùng tu, tu bổ, tôn tạo, cần lòng thành… Song cốt lõi vẫn là sự minh bạch các khoản thu, không để đồng tiền đè lên cả văn hóa ứng xử trong cái thời cơ chế thị trường.