“Kiến trúc sư” Lee Kun-hee và sự vươn tầm của Samsung

Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, người giàu có và thế lực nhất Hàn Quốc, “kiến trúc sư” của Samsung, đã đưa tập đoàn này thành một đế chế lớn trong ngành điện tử thế giới, vừa qua đời ở tuổi 78.
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee
Cố Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee

“Tổng thống kinh tế”

Ông Lee Kun-hee sinh ngày 9-1-1942 tại TP Daegu, Đông Nam Hàn Quốc, là con trai thứ 3 của ông Lee Byung-chul, người thành lập Tập đoàn Samsung năm 1938. Trên thực tế, cậu út Lee Kun-hee không phải là người kế vị dự kiến, mà là anh trai trưởng Lee Maeng-hee như thông lệ tại xã hội Hàn Quốc (bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nho giáo). Tuy nhiên, trong mắt ông Lee Byung-chul, cậu trai trưởng Lee Maeng-hee không hội tụ đủ các tố chất cần thiết.

Sau khi theo học đại học ở Nhật Bản và Mỹ, ông Lee Kun-hee gia nhập công ty gia đình vào năm 1968 và đảm nhận vị trí chủ tịch năm 1987, sau khi cha ông qua đời. Vào thời điểm đó, Samsung được coi là nhà sản xuất các sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Lee Kun-hee, những cải cách triệt để đã được đưa ra tại công ty. Năm 1993, ông Lee Kun-hee công bố triết lý kinh doanh Sáng kiến quản lý mới, được Samsung áp dụng cho đến nay.

Theo BBC, triết lý của ông Lee Kun-hee trở nên nổi tiếng thông qua câu nói với nhân viên vào năm 1993 rằng: “Hãy thay đổi mọi thứ, ngoại trừ vợ và con của chúng ta”. Sau đó, ông Lee Kun-hee còn thể hiện sự quyết tâm mang đến sự thay đổi cho Samsung khi cho đốt 150.000 thiết bị cầm tay để gửi đi thông điệp rằng, không dung thứ cho những sản phẩm lỗi.

Chủ tịch Lee Kun-hee đã sắp xếp, cơ cấu tập đoàn hợp lý để tập trung có chọn lọc vào các lĩnh vực chính. Ông đã tách Shinsegae Co., một bộ phận bán lẻ, vào năm 1991 và Cheiljedang, hiện được gọi là CJ Group, vào năm 1993. Samsung lần đầu tiên áp dụng tuyển dụng mở vào năm 1995, không phân biệt học vấn, giới tính, quốc tịch. Năm 2006, ông công bố Sáng kiến quản lý Mach với mục tiêu Samsung phải thay đổi cấu trúc và cốt lõi bên trong của mình để đưa tập đoàn vươn tầm thế giới.

Các chiến lược mà ông đưa ra đã được đền đáp. Samsung Electronics đã vượt qua Sony Corp của Nhật Bản trong lĩnh vực TV vào năm 2006 và Apple Inc. trong thị trường điện thoại thông minh vào năm 2012. Khi ông nhậm chức, tập đoàn Samsung chỉ đứng thứ 3 tại Hàn Quốc, nhưng đã tăng trưởng trở thành tập đoàn đứng đầu trong nước, đứng thứ 5 toàn cầu, biểu tượng của nền kinh tế Hàn Quốc.

Hơn 30 năm sau khi tiếp quản tập đoàn, ông đã nhân tài sản của tập đoàn lên 50 lần và biến Samsung thành một tập đoàn khổng lồ về điện tử của thế giới. Giờ đây, Samsung chiếm 1/5 tỷ trọng kinh tế của Hàn Quốc. Trong khi đó, theo Forbes, ông Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc với giá trị tài sản ròng gần 21 tỷ USD. Đó là lý do vì sao ông Lee Kun-hee được mệnh danh là “Tổng thống kinh tế”.

Khó khăn

Nhưng bên cạnh những thành công mà ông Lee Kun-hee giành được, cũng xuất hiện những thất bại. Ông dấn thân vào lĩnh vực sản xuất ô tô vào năm 1995, bằng cách thành lập Samsung Motors. Tuy nhiên, việc kinh doanh gặp khó khăn và phải sáp nhập vào Renault Samsung Motor Co. sau khi nhà sản xuất ô tô Pháp mua 80,1% cổ phần của công ty.

Năm 2007, một cuộc khủng hoảng nữa xảy ra khi một cựu cố vấn pháp lý cho Samsung tiết lộ sự thật rằng, tập đoàn này điều hành các khoản tiền khổng lồ và sử dụng chúng để hối lộ những người có ảnh hưởng, bao gồm các chính trị gia, công tố viên và quan chức chính phủ, để họ lờ đi những hành vi phạm pháp của Samsung, bao gồm cả việc chuyển giao tài sản cho các thành viên trong gia đình.

Ông Lee Kun-hee từ bỏ mọi công việc quản lý vào tháng 4-2008 dưới áp lực ngày càng lớn của dư luận. Tháng 8-2009, ông bị kết tội trốn thuế và che giấu tài sản của mình trong tài khoản của các phụ tá; bị kết án 3 năm tù treo và nộp phạt 110.109 triệu USD. Ông cũng phải trả 40,3 triệu USD tiền thuế chưa nộp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Samsung đã được tổng thống thời điểm đó là ông Lee Myung-bak ân xá 4 tháng sau đó, bởi Hàn Quốc cần nhà lãnh đạo Samsung giúp giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018. Ông Lee Kun-hee vốn là thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế từ năm 1996. Hàn Quốc cuối cùng đã thắng và tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông PyeongChang vào tháng 2-2018.

Ông Lee Kun-hee được phục hồi làm Chủ tịch Samsung Electronics vào vào năm 2010 theo yêu cầu của các lãnh đạo tập đoàn. Dòng sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy của Samsung cũng được coi là một trong những dự án thành công nhất của Lee Kun-hee.

Cha truyền con nối

Tháng 5-2014, ông Lee Kun-hee được phát hiện trong trạng thái bất tỉnh tại nhà riêng (phường Itaewon, quận Yongsan, Seoul) do nhồi máu cơ tim. Sau đó, ông Lee được đưa đến bệnh viện gần nhà để hồi sức tim phổi (CPR), rồi được chuyển tới Bệnh viện Samsung Seoul và được can thiệp bằng đặt stent động mạch vành tim.

Ông Lee được điều trị ở phòng chăm sóc bệnh nhân nặng cho tới khi tim, phổi và não ổn định trở lại và được chuyển đến phòng bệnh thường để chăm sóc. Ông đã bình phục trở lại sau 15 ngày hôn mê. Sau nửa năm điều trị, sức khỏe ông dần ổn định, ông có thể ngồi xe lăn và tập vật lý trị liệu mỗi ngày.

Từ khi bị nhồi máu cơ tim, ông Lee Kun-hee đã giao quyền lãnh đạo tập đoàn cho người con trai duy nhất Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung, người được biết đến với tên gọi “Thái tử Samsung”. Cuộc chuyển giao thế hệ quyền lực từ thế hệ thứ 2 sang thế hệ thứ 3 có thể được xem là chính thức sau khi ông Lee Kun-hee qua đời.

Một sự trùng hợp đang diễn ra ở các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, đó là sự chuyển giao quyền lực ở thế hệ đi trước cho thế hệ sau. Mới nhất, ngày 14-10 vừa qua, Tập đoàn ô tô Hyundai đã mở cuộc họp Hội đồng quản trị, bầu Phó Chủ tịch Chung Eui-sun làm tân Chủ tịch tập đoàn, mở ra một kỷ nguyên mới của thế hệ lãnh đạo đời thứ ba của tập đoàn ô tô số một Hàn Quốc.

Có một điểm chung giữa tân Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won, hay Chủ tịch tập đoàn LG Koo Kwang-mo… là họ đều còn khá trẻ, chỉ ngoài 40-50 tuổi. Dự báo một sự thay đổi lớn trong cộng đồng doanh nghiệp đã được các chuyên gia đưa ra.

Trong khi một số người đặt kỳ vọng vào sự đổi mới kinh doanh của thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi, thì số khác lại chỉ trích và tỏ ra lo lắng về những tiêu cực của hình thức chuyển giao quyền lực “cha truyền con nối”. Tranh cãi vẫn còn tiếp diễn, với các vấn đề như sở hữu chéo cổ phần, các hình thức kinh doanh không công bằng của các công ty lớn như trao các hợp đồng béo bở cho các công ty con, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thừa kế quản lý. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, điều quan trọng là cải thiện những điểm thiếu sót, phát triển hình thức chuyển giao quyền lực theo hướng tích cực. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo trẻ duy trì mối quan hệ thân thiết, hứa hẹn tạo ra sự hợp tác giữa các tập đoàn, nuôi dưỡng các động lực tăng trưởng thế hệ tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế Hàn Quốc Chung Chul-jin nhận định, các nhà lãnh đạo thế hệ thứ ba, thứ tư sẽ là những nhà lãnh đạo cuối cùng thừa kế quyền quản lý tập đoàn, bởi thuế kế thừa cho con cái sẽ lên tới trên 50%. Không giống như các chủ tịch tập đoàn lớn ở Mỹ và châu Âu là những giám đốc chuyên kinh doanh, các lãnh đạo trẻ của các doanh nghiệp Hàn Quốc có quan hệ thân mật với nhau, thậm chí tổ chức các cuộc họp riêng. Điểm đặc biệt này giúp họ sẽ hợp tác trong lĩnh vực ô tô, pin thứ cấp, thiết bị điện, hay chíp bán dẫn để đưa Hàn Quốc dẫn đầu thị trường ô tô điện toàn cầu. Văn hóa doanh nghiệp độc đáo của Hàn Quốc có thể được phát triển theo hướng tích cực.

Trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20-10 vừa qua, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã khẳng định, sẽ đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội cuối năm 2022, đúng như Samsung đã cam kết. Khi đó, trung tâm này sẽ có hơn 3.000 kỹ sư làm việc, trở thành cứ điểm R&D chính của tập đoàn Samsung. Cùng với đó, không chỉ đầu tư vào mảng chế tạo, Samsung còn hợp tác với doanh nghiệp phía Việt Nam trong lĩnh vực phát triển phần mềm theo đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phó Chủ tịch Samsung cam kết Samsung sẽ nỗ lực hơn nữa, làm tốt hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Tập đoàn Samsung có 3 thế mạnh về thiết bị di động, sản phẩm bán dẫn, điện tử gia dụng; trong đó đã có 2 mảng thiết bị di động, điện tử gia dụng, màn hình hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đã không ngừng tăng lên. Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đề nghị tập đoàn tiếp tục giúp các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Samsung và các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục