Kịch bản tăng trưởng từng ngành

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế của các ngành, lĩnh vực.

 Để tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và một số địa phương lớn xây dựng kịch bản, phương án tăng trưởng kinh tế của quý 2, 3, 4 và cả năm 2017. Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017 theo kế hoạch đề ra, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-4.

Theo số liệu thống kê, GDP quý 1 ước chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn cùng kỳ các năm 2012, 2013, 2014 nhưng thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2015, 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016, trong đó ngành công nghiệp chỉ tăng 4,1%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Đặc biệt, ngành khai khoáng sụt giảm mạnh với mức giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng khi nhóm khai khoáng giảm. Qua rà soát ở nhóm ngành này cho thấy, nhiều ngành vẫn đang duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt như dệt may (11,6%), sắt thép (43,4%), giấy (11,6%), điện tử dân dụng (25,3%), sản xuất xe có động cơ (9,6%), đồ uống (8,4%).

Một số ngành có tốc độ tăng thấp hơn nhưng vẫn cao hơn mức tăng của cùng kỳ như sản xuất mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự; chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; sản xuất thuốc lá, sản xuất phương tiện vận tải…

Yêu cầu của Chính phủ là các ngành, các hiệp hội cần nỗ lực cao nhất để bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Tại cuộc họp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả ngành, lĩnh vực cần rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ, nỗ lực ở mức cao nhất để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra. Vì để đạt mục tiêu phát triển chung 6,7%, cần thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để đạt tới 2 kịch bản tăng trưởng, ở mức thấp là 2,55%, mức cao là 3,05%. Ngành công thương cũng cố gắng để thực hiện mục tiêu tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, nỗ lực để tăng trưởng cao hơn đối với ngành sản xuất, phân phối điện để tác động đến tăng trưởng. Cùng với đó là quyết tâm cao ở các ngành sản xuất, chế biến khác, nhất là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, còn dư địa tăng trưởng như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại…

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ KH-ĐT cùng với Bộ Công thương tiếp tục rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo từng tháng, từng quý và cả năm 2017 để xem sản phẩm nào, lĩnh vực nào có dư địa tốt để thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, cùng với đó phải dự báo tình hình tăng trưởng cho từng ngành, sản phẩm. Trong đó, ngành may mặc, giày da, túi xách cần được ưu tiên hỗ trợ phát triển do đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, có nhiều lợi thế như trình độ lao động, quy mô sản xuất, thị trường cho sản phẩm. Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử cũng cần được ưu tiên hơn…

Việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 4% là rất khó nhưng không phải là không thể thực hiện, miễn là từng ngành, từng lĩnh vực đều nỗ lực hết sức và có các giải pháp phù hợp để khắc phục những khó khăn, hạn chế. Muốn thế, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, phải xác định từng chỉ tiêu cụ thể, từ đó đề ra kế hoạch thực hiện, bảo đảm thực hiện tăng trưởng từng ngành, từng lĩnh vực, sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục