Khuyến khích xe buýt sử dụng năng lượng sạch

Ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Do vậy, cần có những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng này.

Ô nhiễm từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Do vậy, cần có những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng này.

Đổi mới từ phương tiện đến nguyên liệu

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM (Trung tâm QL-ĐHVTHKCC), hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 2.575 xe buýt các loại. Trong đó, có 2.325 xe hoạt động trên các tuyến có trợ giá và 250 xe hoạt động trên các tuyến không trợ giá. Xác định mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ năm 2014, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM và Trung tâm QL-ĐHVTHKCC thường xuyên thực hiện kiểm tra điều kiện khí thải của các phương tiện, xây dựng lộ trình kiếm soát, quản lý khí thải phương tiện giao thông phù hợp với mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường thông qua việc triển khai đầu tư phương tiện thân thiện với môi trường sử dụng điện, khí nén CNG. Việc sử dụng khí nén CNG hiện nay đối với hoạt động xe buýt đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế cũng như môi trường. Qua kết quả nghiên cứu và tính toán cho thấy, khi sử dụng khí nén CNG đã tiết kiệm được khoảng 23% chi phí so với sử dụng nhiên liệu diesel.

Ngoài ra, trong năm 2016, Trung tâm QL-ĐHVTHKCC cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập tổ công tác kiểm tra khí thải đối với xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Qua 6 đợt kiểm tra với tổng số 58 phương tiện trên 38 tuyến, đã xác định được 12/58 xe không đạt chuẩn khí thải (chiếm 20,68%) và Thanh tra Sở GTVT đã tiến hành lập biên bản xử phạt. Đồng thời, Trung tâm QL-ĐHVTHKCC cũng tiến hành đình chỉ hoạt động và yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải khắc phục trước khi tiếp tục đưa xe vào hoạt động trở lại trên các tuyến.

Quá trình thực hiện đã góp phần giảm thiểu tình trạng xe buýt thải khói đen, đặc biệt các doanh nghiệp vận tải biết chú trọng hơn trong việc kiểm tra phương tiện của mình để đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó, Trung tâm QL-ĐHVTHKCC cũng đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ, lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (SPI - NAMA) tại TPHCM”  đã được UBND TPHCM phê duyệt để thực hiện chương trình chuyển đổi xe buýt sử dụng nhiên liệu truyền thống sang xe buýt sử dụng khí nén CNG.

Xe buýt sử dụng khí nén CNG góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ

Vẫn còn những khó khăn

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QL-ĐHVTHKCC TPHCM, cho biết quá trình triển khai thực hiện các biện pháp đổi mới phương tiện sử dụng khí nén CNG đạt được những kết quả nhất định, như tại trạm xe buýt ở Công viên 23-9 đã trở thành điểm nhấn của một bến xe thân thiện với môi trường, sạch sẽ, an ninh. Việc đầu tư đổi mới phương tiện cũng như định hướng phương tiện công cộng sử dụng khí CNG, xe điện sẽ giúp môi trường thành phố tốt hơn. Từ ngày 24-1-2017, có 4 tuyến xe buýt không trợ giá với 15 phương tiện sử dụng năng lượng điện ở TPHCM đã đi vào hoạt động.

Trong đó, 1 tuyến xe buýt điện hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố do Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh vận hành và 3 tuyến hoạt động ở khu vực Phú Mỹ Hưng do Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh vận hành. Qua theo dõi tình hình hoạt động của các tuyến xe buýt điện cho thấy, đối với tuyến của Công ty Mai Linh mỗi ngày vận chuyển được khoảng 400 hành khách. Theo nhận định của Trung tâm QL-ĐHVTHKCC, với khối lượng vận chuyển như trên đã chứng minh được việc phát triển loại hình xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường được người dân hưởng ứng, đặc biệt là khách du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Trung, khó khăn hiện nay là việc đầu tư phương tiện khí nén CNG có giá thành cao hơn phương tiện sử dụng diesel khoảng 33%. Ngoài ra, việc đảm bảo về nguồn cung cấp cũng như bình ổn giá khí nén CNG hiện nay đang phụ thuộc vào một nhà cung cấp (Công ty PV Gas South) nên việc triển khai đầu tư các phương tiện khí nén CNG còn khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, Trung tâm QL-ĐH VTHKCC kiến nghị với lãnh đạo thành phố có ý kiến với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để thống nhất giá nhiên liệu khí nén CNG ổn định, đồng thời đầu tư mở rộng các trạm nạp khí CNG để tạo điều kiện cho TPHCM phát triển loại phương tiện sử dụng khí nén CNG thân thiện với môi trường này.

Riêng Trung tâm QL-ĐH VTHKCC sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp vận tải đầu tư mới phương tiện theo đề án đã được phê duyệt. Từ ngày 1-1-2017, các xe buýt đầu tư theo đề án này phải là xe buýt sử dụng khí nén CNG. Nhiều ý kiến cho rằng, xe buýt sử dụng khí nén  CNG được xem là giải pháp cho giao thông xanh, thân thiện môi trường và là xu hướng chung trong phát triển giao thông bền vững. Thành phố cần triển khai các biện pháp như thực hiện chương trình kiểm tra và bảo dưỡng. Các phương tiện đã đăng ký phải được kiểm tra về sự phát thải hàng năm trước khi cấp, đổi xe. Khuyến khích sự phát triển của các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, cồn nhiên liệu và điện.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục