Thực tế không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng không cho phép việc áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi. Tính chất trừng phạt của pháp luật hình sự hiện đại chỉ mang tính giáo dục người phạm tội và răn đe những người có ý định phạm tội, chứ không có tính chất trả thù. Việc xử tử hình một ai đó không nhằm mục đích trả thù cho nạn nhân, mà chỉ nhằm mục đích răn đe những ai có ý định phạm tội tương tự. Theo quan điểm của phần lớn các nhà làm luật, chỉ áp dụng hình phạt tương đương với mức độ nhận thức của đối tượng khi phạm tội. Người dưới 18 tuổi thường chưa phát triển đầy đủ về thể chất, đặc biệt là về tâm sinh lý, thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh cuộc sống, khả năng tự kiềm chế thấp. Vì vậy, họ không thể nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội do mình gây ra.
Lời mở đầu Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em (1959) đã xác định: “Trẻ em do chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực, cần có sự chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, bao gồm sự bảo vệ pháp lý đặc biệt”. Sự bảo vệ pháp lý đặc biệt ấy bao gồm cả việc trẻ em phạm tội sẽ được xét xử và áp dụng hình phạt đặc biệt so với những người đã đủ 18 tuổi phạm cùng một tội danh. Quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với những người dưới 18 tuổi thể hiện sự nhân văn của pháp luật. Dù phạm tội với tính chất rất nghiêm trọng nhưng những tội phạm này vẫn còn chưa đủ tuổi trưởng thành, vẫn còn cơ hội để giáo dục họ trở thành người tốt thay vì triệt tiêu con đường sống của họ thông qua hình phạt tử hình. Tuy còn nhiều tranh luận gay gắt về việc nên hay không nên bỏ án tử hình nhưng xu hướng chung của pháp luật các nước là giảm dần, rồi tiến đến loại bỏ hoàn toàn án tử hình.
Ngoài các lý do mang tính học thuật và nhân văn, còn một lý do mang tính pháp luật quốc tế, đó là Việt Nam đã tham gia Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em từ năm 1990. Khoản 1 Điều 37 của công ước quy định: “Những người dưới 18 tuổi nếu gây ra những hành động phạm pháp sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân mà không có khả năng được phóng thích”. Việt Nam đã luật hóa điều khoản này trong Bộ luật Hình sự bằng quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm dưới 18 tuổi.
Thực tế, khi xã hội phát triển hơn, đời sống tinh thần, vật chất ngày càng cao hơn thì pháp luật hình sự sẽ càng thể hiện tính khoan hồng. Điều chúng ta nên quan tâm hơn là làm sao để ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên phạm pháp, bằng các biện pháp giáo dục thích hợp và hiệu quả, bằng những phân tích, nghiên cứu tâm lý, động cơ của kẻ phạm tội nhằm hạn chế những vụ án tương tự.