PHÓNG VIÊN: Ông từng lên tiếng mạnh mẽ về tệ nạn sách lậu, sách giả; mới đây, ông lại tiếp tục lên tiếng. Câu chuyện lần này như thế nào, thưa ông?
Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Nhiều năm qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản ánh, trách cứ của bạn đọc khắp nơi về việc đã mua phải sách giả mang thương hiệu First News ở các trang bán sách online. Sách giả, sách in lậu vẫn in đầy đủ logo, địa chỉ của First News. Để bảo vệ uy tín, ban đầu chúng tôi đã đổi sách thật cho những bạn đọc mua nhầm sách giả. Nhưng gần đây, lượng bạn đọc mua phải sách lậu ngày một nhiều, có bạn đọc mua xong một thời gian mới biết đó là sách lậu. Chưa kể, có rất nhiều bạn đọc đến bây giờ cũng không thể biết được sách mình mua là thật hay giả, vì có những trùm in lậu đã in ấn, gia công sách lậu tại các nhà in hiện đại do nhà nước quản lý nên độ giống và chất lượng sách giả lên tới 95%, chỉ có những người trong ngành xuất bản, nghề in mới phát hiện ra.
Nghĩa là sách lậu giờ đây có sự biến tướng?
Đúng vậy. Không chỉ sách của First News mà còn nhiều đơn vị khác; tất cả đều được in cực kỳ tinh vi mà nếu người ngoài ngành sẽ không phát hiện ra. Có những đơn vị nói rằng, họ sẵn sàng đền bù 111% cho những người phát hiện ra, nhưng tỷ lệ phát hiện được dưới 1%. Bởi vì bạn đọc mua sách online thường để đó hoặc gửi tặng người thân, lúc mở ra không quan tâm mà chỉ đọc sách thôi. Lúc phát hiện cũng không truy tìm vì một hai trăm ngàn đồng không đáng, lại mất thời gian, nên chỉ phàn nàn trên mạng xã hội. Chúng tôi nhận được hàng ngàn lời phàn nàn về tình trạng sách in kém chất lượng. Mọi người nghĩ số lượng này ít nhưng thực sự nó rất nhiều. Doanh số hiện tại của các kênh online đang gấp 3 lần Fahasa.
Theo ông, việc cho thuê gian hàng mà các kênh bán sách online đang áp dụng hiện nay, có phải là đang tiếp tay cho sách giả?
Chắc chắn việc cho thuê sàn đang là một lỗ hổng cực lớn và quản lý không chặt sẽ đưa đến việc phát hành những ấn phẩm vi phạm pháp luật Việt Nam, trong đó có sách giả và sách lậu. Không loại trừ những ấn phẩm phản động và vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đây là điều chắc chắn, vì dễ dàng quá sẽ dẫn đến mất kiểm soát.
Mua hàng online, trong đó có sách, đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?
Một số đơn vị bán sách online có đề xuất với chúng tôi giải pháp như: ai muốn bán sách của First News phải được giấy xác nhận của First News. Đây không phải là cốt lõi của vấn đề, vì chúng tôi không thể kiểm soát được tất cả chất lượng sách sau đó. Mà phần kiểm soát đó phải do các công ty bán sách online, vì họ là nơi cho thuê gian hàng và thu giữ dữ liệu khách hàng. Giả sử, chúng tôi cấp giấy chứng nhận đó, nhưng lấy gì đảm bảo một thời gian sau họ không lấy sách giả bán?
Trong tất cả các đơn vị phát hành sách, Tiki có vẻ quan tâm hơn về vấn đề này, nhưng ngoài Tiki Trading, trong một thời gian dài, Tiki có cho thuê sàn. Khi cho thuê, họ không quan tâm các đơn vị đó bán cái gì. Sau này, chúng tôi lên tiếng, họ mới cam kết, tuy nhiên sự cam kết đó chưa đủ, vì chỉ khi nào bạn đọc phát hiện ra thì Tiki mới phạt đối tác. Nhưng đâu phải bạn đọc nào cũng đủ khả năng để phát hiện ra đó là sách giả?
Chúng tôi yêu cầu các công ty online phải kiểm soát nguồn hàng chất lượng và nguồn gốc phải bảo đảm 100%. Nếu không, họ không chỉ tiếp tay cho những kẻ in lậu, làm hàng giả trốn thuế mà còn đang lừa dối bạn đọc. Điều đó làm thiệt hại rất lớn cho các đơn vị xuất bản. Hiện nay, các kênh online là kênh phát hành sách giả dễ dàng nhất. Khi trưng bày ở nhà sách truyền thống, độc giả dễ phát hiện ra. Với các kênh online, họ trưng bày bìa sách thật, nhưng lại giao sách giả. Tôi muốn kêu gọi, vận động tất cả các đơn vị xuất bản ở Việt Nam cùng đồng lòng lên tiếng và hành động để có một sự kiểm soát thực sự chặt chẽ nạn in lậu.
Nhiều năm qua, vẫn chỉ có First News lên tiếng đấu tranh về việc này, còn các đơn vị khác chọn cách im lặng. Ông có nghĩ, mình đơn độc?
Chúng tôi không bao giờ muốn đấu tranh đơn độc mà tin tất cả đơn vị xuất bản sẽ cùng lên tiếng để tạo nên một sức mạnh. Tôi đã từng tiếp xúc với lãnh đạo NXB Giáo dục và một số đơn vị xuất bản khác, họ cũng rất bức xúc và mong muốn tổ chức một hội nghị khẩn cấp về vấn đề này.
Tôi cho rằng, không phải mọi người không tức giận, mà vấn đề ở đây là mọi người chưa tìm ra hướng đi. Đối đầu giữa một mê hồn trận các tiêu cực tệ nạn của xã hội với: bằng giả, điểm giả, chức vụ giả…, tiếng nói của ngành xuất bản rơi vào đó, làm tổn thương trầm trọng niềm tin của mọi người. Người ta luôn nghĩ rằng, sách giả đọc nhức mắt một chút nhưng không hề có hại, nhưng nó chính là cái cốt lõi. Sách là cốt lõi, nòng cốt của tri thức, văn hóa và giáo dục. GDP trong ngành xuất bản không cao so với ngành khác, nên họ không xem trọng, nhưng đây chính là ngành quan trọng nhất để phát triển dân trí, giáo dục của một dân tộc.