Không dùng ngân sách để bồi thường lỗi thi công làm hỏng nhà dân
SGGPO
Thường vụ nhận định, đây là vấn đề trách nhiệm dân sự giữa nhà thầu với người dân bị thiệt hại, không liên quan đến ngân sách nên không dùng ngân sách để giải quyết, nếu sử dụng ngân sách sẽ tạo ra tiền lệ không tốt.
Tiếp tục phiên họp thứ 19, sáng 14-12, UBTVQH đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Thanh Hoá – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Đề nghị sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đền bù 167 tỷ cho gần 36.000 hộ dân
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, việc thi công xây dựng các hạng mục công trình giao thông có tính chất đặc thù, công trình trải dài theo tuyến và thường phải sử dụng các máy móc, thiết bị thi công có tải trọng lớn, tạo rung chấn, chấn động hoặc sức ép lên nền đất (lu rung, búa rung, ép thủy lực, nổ phá…). Do đó, không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến các công trình xây dựng hiện có ở gần khu vực thi công xây dựng công trình, nằm ngoài phạm vi GPMB của dự án; đặc biệt đối với nhà ở, công trình của người dân hai bên tuyến đường tại khu vực đô thị hoặc khu vực đông dân cư.
Nguyên nhân gây ra thiệt hại cho nhà ở, công trình xây dựng của các hộ dân nằm ngoài phạm vi GPMB là khách quan, bất khả kháng, nằm ngoài khả năng tính toán, dự báo của nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan do đặc thù của các dự án xây dựng giao thông phải sử dụng thiết bị rung chấn như đã nêu ở trên.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày báo cáo
“Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu thi công đã nghiên cứu, áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tác động rung chấn trong quá trình thi công như: ép cọc ván thép, đào hào, rãnh ngăn…; tuy nhiên các giải pháp này không khả thi do nhà ở, công trình của dân rất gần phạm vi xây dựng và việc thực hiện các giải pháp trên sẽ làm tăng khối lượng các hạng mục công việc phụ trợ, tăng đáng kể chi phí xây dựng, đặc biệt làm kéo dài thời gian thi công xây dựng”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình.
Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cũng nói thêm rằng, một phần thiệt hại nêu trên được các doanh nghiệp bảo hiểm công trình xây dựng (do chủ đầu tư mua bảo hiểm công trình, trong đó có điều khoản bảo hiểm mở rộng trách nhiệm đối với bên thứ ba với hạn mức nhất định về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm) chi trả cho người bị ảnh hưởng trên cơ sở kết quả giám định tổn thất của đơn vị tư vấn giám định độc lập, song tại một số dự án, mật độ dân cư dọc hai bên đường lớn; số lượng nhà ở, công trình bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công lớn dẫn đến tổng giá trị thiệt hại vượt hạn mức bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm…
Qua số liệu tổng hợp sơ bộ, ước tính có khoảng 35.814 hộ dân bị ảnh hưởng với dự kiến kinh phí đền bù nằm ngoài trách nhiệm bảo hiểm do chủ đầu tư mua khoảng 166,793 tỷ đồng.
Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, cho phép Bộ Giao thông Vận tải được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả bồi thường thiệt hại (ngoài phần thuộc trách nhiệm do bảo hiểm chi trả) cho nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi GPMB bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án này.
Trách nhiệm thuộc về đơn vị tư vấn và nhà thầu
Tuy nhiên, qua thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải không đồng tình với đề xuất của Chính phủ.
“Việc bồi thường thiệt hại của người dân cần được thực hiện theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, theo đó nhà thầu thi công làm ảnh hưởng đến nhà dân phải có trách nhiệm liên đới bồi thường”, ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đều bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Ông Phan Thanh Bình nhận định: “Làm hư hỏng nhà dân là phải bồi thường và không nên để lâu vì bà con ở khu vực này rất khó khăn. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai và tiền ở đâu? Không thể làm xong mới biết hậu quả. Nếu không ngã ngũ thì đưa ra toà giải quyết chứ không dùng ngân sách để chi trả, tạo tiền lệ xấu cho nhiều dự án khác”.
Được tham khảo ý kiến, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cũng nhận định đây là trách nhiệm của cơ quan tư vấn và nhà thầu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nhà thầu phải có trách nhiệm bồi thường cho người dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu rõ: “Nhà thầu phải có trách nhiệm từ khảo sát thiết kế, thi công, bảo dưỡng, bảo hiểm cho công trình. Thường vụ Quốc hội không can thiệp sâu vào công tác điều hành cụ thể”.
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: việc đền bù do thi công dự án gây thiệt hại cần xử lý giải quyết thấu đáo. Nội dung mà Chính phủ trình không thuộc thẩm quyền và quyền hạn của Thường vụ Quốc hội mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển điều hành thảo luận
“Thường vụ nhận định, đây là vấn đề trách nhiệm dân sự giữa nhà thầu với người dân bị thiệt hại, không liên quan đến ngân sách nên không dùng ngân sách để giải quyết, nếu sử dụng ngân sách sẽ tạo ra tiền lệ không tốt”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nói.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển yêu cầu các Bộ ngành, địa phương và đoàn ĐBQH tham gia giám sát để đảm bảo nhanh chóng giải quyết vấn đề, bảo đảm quyền lợi cho người dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.