Cuối tháng 4 vừa qua, diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 2 đã diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc với hơn 30 quốc gia tham gia. Đài RFI dẫn lời giới quan sát cho rằng ngoài cơ hội để Bắc Kinh phát triển các thế mạnh về kinh tế và công nghệ với việc ký kết nhiều thỏa thuận đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD, diễn đàn Vành đai và Con đường còn là một cơ hội để Trung Quốc khẳng định vai trò và tham vọng “xuất khẩu mô hình quản lý thế giới” mới.
Có thể thấy, diễn đàn về “Con đường tơ lụa mới” năm nay mang hơi hướng của một chiến dịch truyền thông, quảng bá. Trong bài diễn văn bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi một sự minh bạch, bền vững, xanh hơn và nhất là không dung thứ cho tham nhũng trong các dự án. Tuy nhiên, điểm chú ý đối với giới quan sát chính là việc rút ngắn tên gọi dự án “Con đường tơ lụa mới” được đưa ra vào năm 2013 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên bộ và hàng hải trị giá hơn 1.000 tỷ USD đi từ châu Á sang châu Âu, qua cả châu Phi. Trung Quốc tìm cách điều chỉnh lại công tác truyền thông, không còn nói về Một vành đai, Một con đường (One Belt, One Road) nữa mà trở thành Vành đai và Con đường (Belt and Road).
Theo nhận định của bà Alice Ekman, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu về quan hệ quốc tế Pháp, dưới tên gọi Vành đai và Con đường, các tham vọng của Trung Quốc giờ đã vượt quá khuôn khổ của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (cầu đường, cảng biển, cáp quang ngầm, công nghệ…). Bài diễn văn của ông Tập Cận Bình cho thấy rõ Bắc Kinh tìm cách phát triển điều mà ông gọi là một hình thức quan hệ quốc tế mới. Bởi trong những năm gần đây, bên cạnh các đầu tư kinh tế, Bắc Kinh thực tế còn mở rộng sang cả những chương trình hợp tác khác có liên quan đến các chuẩn mực hàng hóa, thuế quan, tư pháp, hay như thành lập cả tòa án trọng tài xử lý các tranh chấp thương mại trên lãnh thổ và nhất là tổ chức các diễn đàn đa phương. Trung Quốc cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh tăng cường tầm ảnh hưởng mà Vành đai và Con đường hơn bao giờ hết sẽ là một phương thức hữu ích cho phép Bắc Kinh có thể ấn định một mô hình “quan hệ” mới phù hợp với những lợi ích của nước này.
Cũng trong bài diễn văn bế mạc, ông Tập Cận Bình không ngần ngại đưa ra các đề nghị như tái cấu trúc các định chế quốc tế, tái cấu trúc các hình thức kiến tạo thế giới… Điều này cho thấy rõ tham vọng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong việc tham gia điều hành thế giới, thậm chí cả việc giám sát cách quản lý toàn cầu hóa: vận chuyển hàng hóa, quản lý dữ liệu, quản lý dòng du khách… Những hiện tượng toàn cầu hóa hiện nay mà Trung Quốc cho rằng không do họ tạo dựng nên.
Phải chăng đã qua rồi cái thời Mỹ và phương Tây độc quyền “làm mưa làm gió” trên chính trường thế giới? Nhưng có một điều chắc chắn là trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Mỹ căng thẳng, đề xuất mới này cho thấy: thế giới đang chứng kiến 2 hình thức toàn cầu hóa đang trỗi dậy và cạnh tranh nhau giữa 2 mạng lưới cơ sở hạ tầng khác biệt về chuẩn mực, pháp lý và quan hệ đa phương.