Tham dự hội thảo có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM và hơn 100 doanh nghiệp, nhà khoa học.
Gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của TP bình quân 1%/năm và có xu hướng giảm. Thế nhưng, tỷ lệ tăng dân số cơ học tăng bình quân 1,5%/năm và có xu hướng tăng.
Trong 20 năm qua, dân nhập cư vào TPHCM tăng bình quân 8%/năm. Mật độ dân số đạt 4.000 người/km2, trong đó mật độ dân số các quận là 13.600 người/km2, gấp 12,85 lần so với mật độ dân số các huyện.
“Sự gia tăng này tạo áp lực về nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt, đi lại, an ninh trật tự, cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế bền vững của TP”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích và nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng nêu ra một số điểm “nghẽn” của TP như cơ sở hạ tầng giao thông TP chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu; thiếu hệ thống đường vành đai, hệ thống đường cao tốc, hệ thống giao thông công cộng liên vùng.
Ngoài ra, mật độ đường mới đạt 1,98 km/km² (theo quy chuẩn phải đạt 10-13,3 km/km²)… “Tuy nhiên, hiện nay TPHCM vẫn còn đang vướng về nguồn lực phát triển hạ tầng”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng và phân tích hiện nay, TPHCM không được vay vốn trực tiếp nước ngoài mà phải vay gián tiếp qua các bộ - ngành Trung ương.
Trong phát triển kinh tế, TPHCM chỉ có 1% doanh nghiệp lớn nhưng chiếm đến 66% quy mô vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, 99% doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ chỉ chiếm 34% vốn đăng ký; 36% doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, không tạo nên động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Nông nghiệp chiếm chưa đến 1% GRDP song sử dụng hơn 55% đất, khu vực dịch vụ - công nghiệp đóng góp hơn 83% GRDP nhưng chỉ sử dụng 6,8% đất. Trong khi đó, giá trị gia tăng trên 1 ha đất dịch vụ - công nghiệp gấp 813 lần giá trị gia tăng trên 1ha đất nông nghiệp…
Đó là những vấn đề lớn, được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm, tìm giải pháp khắc phục. Trước tiên, TP phải nỗ lực nhiều hơn nữa, phải tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, để khơi dậy tiềm năng phát triển TP để nâng cao chất lượng tăng trưởng; ưu tiên chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá, động lực cho chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có các đô thị. Tuy nhiên, hệ thống cơ chế, chính sách quản lý đô thị và cơ chế liên kết vùng nhìn chung không theo kịp yêu cầu phát triển. Do đó, TPHCM sẽ chú trọng phát huy vai trò động lực của các đô thị để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh.
Một giải pháp khác cũng được lãnh đạo TPHCM đặt ra là sẽ sử dụng hội nhập quốc tế như động lực để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng đánh giá cao các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cho biết TP sẽ nỗ lực để chuyển thể các ý tưởng, góp ý này thành hành động cụ thể để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của TP.
Để các chuyên gia, nhà khoa học phát huy sáng kiến, phản biện các cơ chế, chính sách, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển bền vững của TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM tham mưu, đề xuất quy chế phối hợp giữa chuyên gia, nhà khoa học với UBND TPHCM.
Ngoài ra, Sở Nội vụ tham mưu thành lập Tổ Tư vấn kinh tế để giúp TP phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn.
“Đây là nơi tích tụ và lan tỏa tri thức, chuyển thể các ý tưởng góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, kiều bào, mong mỏi của nhân dân… thành hành động”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
“Tại hội thảo hôm nay, lãnh đạo TPHCM chính thức đặt hàng các các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia giải quyết các thách thức của TP về ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh...” - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ngưỡng dân số của TPHCM không quá 15 triệu người
Trước đó, phát biểu tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích rõ các tồn tại của TPHCM và đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TPHCM, nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng trên 8% trong những năm qua là khá cao và TP sẽ khó tăng thêm trong thời gian tới.
Do đó, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài gợi ý nên chú ý chuyển đổi sang mô hình hiệu quả, đổi mới và sáng tạo hướng đến các mục tiêu dài hạn. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng để giải quyết tắt nghẽn và tăng tính liên kết, thúc đẩy sáng tạo hiệu quả ở tất cả các khâu…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh trước tiên cần giải được nút thắt về thể chế để cải thiện nội lực cạnh tranh của TP.
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, cũng nhấn mạnh mức tăng trưởng 8% của TPHCM hiện đã cao nên chỉ cần duy trì mà không cần thiết phải tăng thêm. Do đó, TPHCM cần tăng cường liên kết xây dựng chính sách phát triển hài hòa giữa TP với các địa phương xung quanh.
Cụ thể, theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, TP cần tập trung vào ngành tài chính, dịch vụ, công nghệ cao và mạnh dạn chuyển dịch các ngành thâm dụng lao động về đô thị vệ tinh. Từ đó, tạo điều kiện tái tạo lại không gian hiện hữu, tăng khả năng thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao.
“Một yếu tố quan trọng khác là TPHCM phải xác định và lựa chọn phân khúc trong chuỗi ngành hàng theo hướng TPHCM là điểm cuối, tập trung ngành sản xuất chế biến, tinh chế, công nghệ cao và tăng cường phát triển nguyên liệu tại đô thị vệ tinh, cung ứng cho sản xuất của TPHCM”, PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình đề xuất.
Các chuyên gia cũng đề nghị TP đẩy mạnh liên kết liên thông hạ tầng để giảm tình trạng thắt nút cổ chai tại các cửa ngõ. Về lâu dài, TPHCM tính đến giải pháp giới hạn ngưỡng dân số, là không quá 15 triệu người để không gia tăng thêm áp lực lên hạ tầng, dịch vụ công, từ đó từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TPHCM đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020 là 1 trong 7 chương trình đột phá.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, sắp tới, TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đánh giá kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ về những việc làm được, chưa làm được.
"Vì vậy, lãnh đạo TPHCM mong muốn các nhà khoa học góp ý về những nhận định có tính định hướng, định lượng về xu hướng phát triển, về mức độ cạnh tranh. Đồng thời, có những nhận định, đánh giá những vấn đề TP thực hiện đúng và quyết liệt cũng như đưa ra những cảnh báo đối với TP về những vấn đề chưa làm đúng. Trên cơ sở đó, TP đưa ra những giải pháp mới, bổ sung thực hiện trong thời gian tới để chương trình này đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, TP còn nhiều đất cho phát triển, bởi vì đất quy hoạch cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chiếm chưa đến 10% nhưng đóng góp cho kinh tế TP 99%. Trong khi đó, đất quy hoạch cho nông nghiệp chiếm hơn 44% song chỉ đóng góp cho kinh tế chỉ 0,8%. Do đó phải tái cơ cấu lại quy hoạch đất đai, giải quyết sự mất cân đối đã nêu.
Ngoài ra, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguồn lực khoa học công nghệ của TPHCM rất nhiều nhưng chỉ “đi ngang” qua các doanh nghiệp nên cần thảo luận về nguyên nhân, tìm giải pháp chuyển biến thật sự.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng dẫn chứng về đất nước Israel chỉ với 8,6 triệu dân nhưng là một quốc gia khởi nghiệp thành công nhất thế giới. Cái gốc tạo ra kết quả này không phải là khoa học mà là văn hóa, là chính sách. Cụ thể, đất nước này đã xây dựng, hình thành văn hóa khuyến khích sự phản biện, tranh luận và không sợ thất bại.
Đặc biệt, ở Israel một khi doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhận tiền từ Nhà nước song khởi nghiệp thất bại sẽ không bị Nhà nước đòi tiền lại. Chỉ khi thành công, doanh nghiệp phải nộp lại 35%, tạo nguồn để “nuôi” doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khác. Vì thế, doanh nghiệp họ không e ngại và quyết tâm thực hiện khởi nghiệp sáng tạo thành công.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là kinh nghiệm mà TPHCM cần tham khảo, đặc biệt là phải có một “cuộc cách mạng trong tư duy” để doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau.
Ngoài ra, TPHCM phải nghiên cứu về những giải pháp sớm hiện thực hóa cơ chế, chính sách thực hiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Trong đó TPHCM phải xây dựng chương trình gắn các chuyên gia sáng tạo đối với từng ngành, hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu thiết kế, đến quản lý sản xuất, bán hàng và sản phẩm gắn với người tiêu dùng.