Đây là lần đầu tiên, G20 tổ chức một hội nghị có sự tham dự của các bộ trưởng bộ năng lượng và môi trường. Đây cũng là cuộc họp khởi động cho kỳ họp thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra vào 28 và 29-6.
Nỗi lo môi trường
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Hiroshige Seko nhấn mạnh: “Kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (LHQ) có hiệu lực, động lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên khắp thế giới đã gia tăng... Giờ đây, việc kết hợp giữa các chính sách năng lượng và môi trường trong các lĩnh vực này là rất cần thiết”.
Ông Seko khẳng định, Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các công nghệ chủ chốt như hydrogen và nhất là công nghệ “tái sử dụng carbon”, đồng thời bày tỏ hy vọng tăng cường hợp tác với các nền kinh tế thành viên G20 trong lĩnh vực này. Ông cũng cho biết thêm, từ tháng 4-2020, Nhật Bản sẽ tính phí các túi mua sắm bằng nhựa dùng một lần.
Bên cạnh đó, theo ông Seko, Nhật Bản đưa ra sáng kiến tổ chức hội nghị quốc tế thường niên “Nghiên cứu và Phát triển G20 về các công nghệ năng lượng sạch” (RD20) với sự tham gia của những lãnh đạo của các viện nghiên cứu hàng đầu ở các nền kinh tế thành viên G20 để thúc đẩy sự đổi mới về công nghệ.
Thiết lập các quy định quốc tế mới nhằm thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, một vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay, cũng sẽ là nội dung chính được thảo luận tại hội nghị lần này. Tương tự Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giải pháp đối với rác thải nhựa cũng đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của cộng đồng quốc tế.
Với tư cách nước chủ nhà, tại hội nghị, Nhật Bản sẽ đưa ra đề xuất thiết lập một khuôn khổ quốc tế mới nhằm thúc đẩy các nỗ lực giảm rác thải nhựa ra đại dương, cũng như thảo luận về việc hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển để giảm rác thải nhựa. Các quốc gia sẽ tập trung thảo luận về việc xây dựng hệ thống quy phạm áp dụng cho cả các nước mới nổi và các nước đang phát triển. Các nước phát triển dự kiến sẽ công bố kế hoạch hành động, trong đó có giải pháp tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa và hỗ trợ các nước đang phát triển.
Có hay không cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung?
Một quan tâm khác của dư luận về thượng đỉnh G20 sắp tới là quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh 2 nước này đang diễn ra chiến tranh thương mại. Chính vì vậy, giả thuyết diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được chú ý.
Theo Bloomberg ngày 15-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, không có vấn đề gì nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý gặp ông vào cuối tháng này tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka để bắt đầu lại các cuộc đàm phán về thương mại trong bối cảnh Mỹ đang thu hàng tỷ USD tiền thuế trừng phạt hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Ông Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ tăng thuế nếu Chủ tịch Trung Quốc không gặp ông tại thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông không đề ra thời hạn để Trung Quốc quay lại đàm phán thương mại, vốn đã bị đình trệ từ tháng 5 sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc từ bỏ các điều khoản của một thỏa thuận dự kiến.
Trước đó, ông Trump đã tăng thuế đối với khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 25%, và nói rằng sẽ mở rộng thêm 325 tỷ USD hàng hóa, đồng nghĩa với tất cả mọi thứ mà nước này xuất khẩu sang Mỹ, trừ khi Trung Quốc thay đổi ý định.