Đầu tư 773 tỷ đồng
Theo bà Tăng Thu Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư công trình), Bến xe miền Đông mới có diện tích hơn 16ha; trong đó, phần diện tích thuộc quận 9 (TPHCM) là 12,3ha và 3,7ha còn lại thuộc địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Bến xe mới được thiết kế có quảng trường - nơi các loại xe tiếp cận với nhà ga để đón, trả khách; nhà ga trung tâm hiện đại với 4 tầng trên mặt đất và 2 tầng hầm; khối khách sạn cao 26 tầng và khu trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu đi lại và nghỉ ngơi, mua sắm của hành khách. Theo thiết kế, Bến xe miền Đông mới sẽ phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt hành khách/năm với 21.000 - 52.000 lượt hành khách/ngày. Mỗi ngày có khả năng từ 1.200 - 1.800 lượt xe xuất bến và tổng kinh phí đầu tư công trình là 773 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Samco sẽ cơ bản hoàn thành khu vực nhà ga trung tâm vào cuối năm 2017 và chính thức đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018.
Việc di dời Bến xe miền Đông hiện hữu (tại quận Bình Thạnh) ra Bến xe miền Đông mới được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 vào quý 1-2018, di dời trước các xe chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai và tuyến liên vận quốc tế… ra Bến xe miền Đông mới. Giai đoạn 2 dự kiến vào tháng 12-2018, sẽ di dời xe chạy các tuyến còn lại. Bến xe miền Đông cũ sau đó sẽ được bố trí làm bến cho xe buýt và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
Kết nối đồng bộ - yêu cầu cấp thiết
Những ngày này, tại khu vực xây dựng Bến xe miền Đông mới, các nhà thầu đang triển khai đóng cọc thử nghiệm, chuẩn bị cho việc thi công chính thức. Bên cạnh Bến xe miền Đông mới, dự án thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên cũng đang được tiến hành khẩn trương. Gần đó, dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội cũng tất bật thi công… Tuy phấn khởi trước tương lai của Bến xe miền Đông, nhưng bà Tăng Thu Lý vẫn không khỏi băn khoăn về sự đồng bộ của các công trình này. Theo kế hoạch, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đến năm 2020 mới chính thức đi vào hoạt động. Vì vậy, khi Bến xe miền Đông mới đi vào hoạt động trước 2 năm, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đưa đón hành khách vào khu vực nội thành. Chưa kể, Bến xe miền Đông mới cũng chưa có đường kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Do vậy, nhiều xe khách từ miền Đông Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc nếu đi theo đường cao tốc này vào TPHCM sẽ phải đi vòng thêm gần cả chục cây số nữa mới đến được Bến xe miền Đông mới. Trở ngại này có thể dẫn đến tình trạng chủ một số xe khách không chịu vào bến mới, nhất là khi nạn bến cóc, xe dù vẫn tồn tại ở nhiều khu vực trong nội đô.
Theo một chuyên gia trong ngành vận tải, nếu như ngành giao thông không nhanh chóng tổ chức thêm các tuyến xe buýt kết nối tới Bến xe miền Đông mới, làm đường kết nối bến xe với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và đặc biệt lập lại trật tự vận tải, xử lý nghiêm tình trạng bến cóc xe dù thì Bến xe miền Đông mới khó hoạt động hiệu quả như mong muốn. Tất nhiên, Bến xe miền Đông mới cũng phải nâng chất lượng phục vụ để thu hút hành khách và các đơn vị vận tải đến với bến. TPHCM đã bỏ ra 773 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Bến xe miền Đông mới. Và như vậy, trách nhiệm của các sở ngành chức năng, các đơn vị liên quan là phải phối hợp đồng bộ trong hoạt động đầu tư, tổ chức phục vụ hành khách và kết nối giao thông thông suốt, để bến xe này hoạt động hiệu quả
Dự án đầu tư xây dựng Bến xe miền Đông mới đã được xác định trong đồ án “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, được phê duyệt cách nay gần 10 năm. Đồ án “Quy hoạch chung xây dựng TPHCM” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 cũng xác định sẽ xây mới Bến xe miền Đông ở quận 9 và Bến xe miền Tây mới ở huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, vì vướng đền bù giải tỏa và chưa có kinh phí nên đến bây giờ, TPHCM mới triển khai xây dựng Bến xe miền Đông mới. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông; chống bến cóc, xe dù của thành phố.