Khoảng trống

Là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, Cánh diều 2016 có thể được coi là một dấu mốc đặc biệt đối với người làm điện ảnh, khi lần đầu tiên hạng mục phim truyện điện ảnh không có bất cứ tác phẩm nào của nhà nước sản xuất tham dự. Có lẽ cũng vì vậy mà mặc dù số lượng đăng ký dự thi năm nay ghi nhận con số vượt trội 19 phim truyện điện ảnh nhưng giải thưởng vẫn để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy bởi sự thiếu vắng dòng phim chính luận, nghệ thuật đã từng làm mưa làm gió khi chiếm nhiều giải thưởng lớn của hội trong những năm qua.



Có thể thấy 19 phim truyện điện ảnh đến với Cánh diều 2016 mặt bằng chung đều thuộc dòng phim có khán giả, hình ảnh dễ bắt mắt, giải trí nhẹ nhàng, dễ hiểu như: Tấm cám - chuyện chưa kể, Chạy đi rồi tính, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim, Chờ em đến ngày mai, Truy sát, Nàng tiên có năm nhà, Phim trường ma, Cao thủ ẩn danh, Tik Tak anh yêu em, Lục Vân Tiên-Tuyệt đỉnh Kungfu, Vệ sĩ Sài Gòn... Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ các hãng phim tư nhân bỏ vốn đầu tư sản xuất, cần thu hồi vốn để tái sản xuất nên thường chọn những đề tài giải trí, nhẹ nhàng với mục đích cuối cùng bán được thật nhiều vé cho khán giả. Vì thế, những mảng đề tài chính luận, nghệ thuật, kén khán giả hoàn toàn vắng bóng trong cuộc chơi điện ảnh năm nay.

 Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng, sự lên ngôi của các bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất là điều tất yếu bởi họ chịu khó đầu tư từ việc chọn đề tài, kỹ thuật, kỹ xảo đến diễn viên sao cho ăn khách. Nhưng cũng chính vì tự đầu tư nên họ phải tính toán, sản xuất phim theo nhu cầu thị trường nhằm thu lợi nhuận cao. Bởi quan nhiệm làm phim đơn thuần mang lại lợi nhuận cao nên cũng vì thế nhiều phim rất nhạt, tầm phào. Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Đặng Xuân Hải cũng cho rằng, giải Cánh diều năm nay số lượng không đi cùng với chất lượng trong hạng mục phim truyện điện ảnh.

Nhìn vào tiêu chí và định hướng, Cánh diều vẫn đang là giải của hội nghề nghiệp vốn trọng tính chuyên môn - nghệ thuật, nhưng gần 100% phim chiếu rạp tranh giải mùa này lại được làm vì mục đích thương mại, giải trí đơn thuần vì thế những lo ngại về chất lượng giải thưởng đặt ra không phải là không có căn cứ. Mặc dù Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định tiêu chí chấm giải vẫn không thay đổi mà vẫn tiếp tục hướng tới những tìm tòi sáng tạo trong biểu hiện nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, đại diện cục này cũng nói thêm rằng yếu tố hiệu quả đối với công chúng phải đưa lên ngang hàng yếu tố sáng tạo. Khó có thể tính số vé bán mà ở đây hiệu quả công chúng căn cứ vào dư luận của công chúng, xã hội thông qua việc tham khảo hệ thống phát hành phim.

Vẫn biết, việc xã hội hóa trong điện ảnh là xu hướng tất yếu, việc lên ngôi của các hãng phim tư nhân cũng là điều đã dự đoán trước. Thậm chí, đã có lúc người làm điện ảnh cảm thấy hân hoan bởi trật tự trong điện ảnh được lập lại khi khái niệm “hãng phim Nhà nước” bị xóa sổ, mọi đơn vị làm phim đều bình đẳng trước khán giả. Không còn những tranh cãi bất tận về phim nghệ thuật - phim thị trường, đã chấm hết quy luật “chỉ hãng phim Nhà nước mới được ngân sách Nhà nước rót kinh phí tài trợ”. Cơ hội nhận dự án sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng không còn là đặc ân của riêng ai. Và các hãng phim Nhà nước vừa chính thức bước vào thị trường phim ảnh, với luật chơi bình đẳng sẽ phải nỗ lực hết sức, nếu không muốn bị đứng bên lề.

Song tới thời điểm này, khi mà cơ chế đấu thầu phim Nhà nước vẫn chưa được hoàn tất, khi mà cả một năm qua không có một phim mang tính chính luận, lịch sử nào được triển khai thì khán giả và những người yêu điện ảnh lại cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Và có lẽ nếu không có điều chỉnh kịp thời thì sự phát triển lệch của điện ảnh sẽ vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục