Số hóa sổ quản lý tiêm chủng: Bước đột phá trong lĩnh vực y tế

Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tuyên bố chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ ngày 1-6-2017. Điều này có nghĩa sắp đến, việc tiêm chủng diễn ra tại 13.000 trạm y tế trên khắp đất nước sẽ không cần có sổ khám hay các loại giấy tờ. Việc số hóa sổ quản lý tiêm chủng không chỉ giúp tiết kiệm cả trăm tỷ đồng mỗi năm, mà còn giảm rất lớn số lao động để thực hiện công việc này…

Thông thường, khi đưa trẻ con đi tiêm chủng, người lớn phải mang theo sổ với thống kê đầy đủ về những lần tiêm trước; nếu không mọi việc sẽ rất khó khăn vì cơ sở y tế không lưu trữ đầy đủ lịch sử tiêm chủng trẻ con ở những nơi đã tiêm. Cho nên, với khoảng 13.000 đơn vị y tế cơ sở thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng, việc đối chiếu và rà soát lịch sử tiêm chủng với trẻ nhỏ khi các thủ tục được hiện trên giấy tờ tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền của và thậm chí không hiệu quả trong quản lý. Chính vì thế, việc xây dựng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là hết sức cần thiết. Theo đánh giá của ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, thì “Đây là một ý tưởng rất tuyệt vời!”.

Khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia

Đối với những hệ thống lớn có hàng chục ngàn điểm và trải dài trên khắp đất nước (như trạm y tế cơ sở), việc quản lý, hướng dẫn với phương thức truyền thống bằng giấy tờ là cực kỳ phức tạp. Cho nên, sử dụng phần mềm được thiết kế phù hợp, đồng bộ là cách tốt nhất để tạo ra một sự thay đổi mang tính cách mạng về quản lý. Hay nói cách khác, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để quản lý các tập thông tin cực lớn là điều cần thiết và hiển nhiên trong bối cảnh hiện nay. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia giúp loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy, từ đó tiết kiệm thời gian và hơn 100 tỷ đồng mỗi năm cho xã hội. Riêng tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống giúp thủ đô tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công và hơn 2 tỷ đồng/năm… Đó là giá trị mà ứng dụng CNTT mang lại. 

Như thế, sau khi thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM), kể từ ngày 1-6-2017, 13.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng hệ thống của Viettel để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân. Hệ thống này sẽ giúp ngành y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân, từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID). Không chỉ vậy, người dân có thể theo dõi lịch tiêm chủng, tiền sử tiêm chủng của mình và các thành viên trong gia đình thông qua ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử…

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đưa ứng dụng viễn thông và CNTT len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, giáo dục và y tế sẽ cần được ưu tiên trước hết, vì đây là hai lĩnh vực đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia. Cùng với việc xây dựng gần 36.000 trạm phát sóng 4G để có một hạ tầng 4G phủ rộng và sâu như 2G, Viettel cũng đẩy mạnh triển khai các ứng dụng viễn thông và CNTT trong cuộc sống. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là một phần trong chiến lược đó.

Sự kiện khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia thêm một lần nữa khẳng định những bước tiến rất xa của ngành y tế trong việc đưa ứng dụng viễn thông và CNTT vào công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

KIM THANH

Tin cùng chuyên mục