WIPO cam kết hỗ trợ và thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng nay 22-3, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry và Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) Trần Việt Thanh đã ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH-CN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam. 

>> Việt Nam tạo mọi điều kiện phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ

(SGGPO).- Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, sáng nay 22-3, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry và Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) Trần Việt Thanh đã ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH-CN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam. 

Bộ Khoa học - Công nghệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ký kết Bản ghi nhớ

Việc ký kết Bản ghi nhớ có ý nghĩa đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa WIPO và Bộ KH-CN. Một mặt thiết lập cơ chế hợp tác chính thức giữa hai bên trong việc triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia cho Việt Nam và giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia.

Quy trình để xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT dự kiến gồm 8 bước: Tổ chức hội thảo tư vấn; Thành lập nhóm soạn thảo; Tiến hành rà soát văn bản; Thu thập thông tin; Tổ chức các cuộc họp tham vấn; Xây dựng bản dự thảo Chiến lược; Lấy ý kiến về bản dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược; Triển khai Chiến lược.

Theo Bản ghi nhớ được ký kết, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ đến Việt Nam để cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng của SHTT tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về SHTT, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ.

* Cũng trong sáng nay, ông Francis Gurry và Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh đã tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” (Innovation-A Driving Force for Sustainable Development).

Hội thảo diễn ra với 2 chủ đề: “Khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ" và “Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)”. Đây là các hoạt động giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương với WIPO đồng thời tranh thủ sự trợ giúp của WIPO trong các vấn đề về SHTT và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt hơn trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, để SHTT thực sự là động lực cho đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quang cảnh buổi hội thảo

 

 Hiện đã có 28 viện nghiên cứu, trường đại học đồng ý tham gia vào mạng lưới IP-Hub với mục tiêu thành lập được các Trung tâm SHTT để xử lý tại chỗ các vấn đề liên quan đến SHTT. Cục SHTT cũng đang tích cực phối hợp với các Trung tâm SHTT trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ ở các Trung tâm thông qua việc đào tạo trong nước cũng như cử đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Công tác hướng dẫn tra cứu, khai thác thông tin SHTT được triển khai mạnh mẽ. Việc lập và khai thác bản đồ công nghệ (Patent map) cũng được giới thiệu để giúp cho các nhà khoa học có được cái nhìn tổng thể về công nghệ hoặc vấn đề kỹ thuật quan tâm.

 

Theo công bố mới nhất của WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng. Xác định vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hoạt động đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 6-2-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định rõ Việt Nam cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”.

Ông Francis Gurry khẳng định, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, cũng như vấn đề bảo hộ thực thi quyền SHTT toàn cầu. WIPO hiện đang cung cấp dịch vụ để có được quyền SHTT ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, WIPO cũng cung cấp các chương trình xây dựng năng lực để giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc sử dụng SHTT và cho phép việc tiếp cận miễn phí các ngân hàng thông tin về SHTT.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục