Đầu tư cần tập trung

Ở giai đoạn 2016-2020, TPHCM tập trung triển khai 4 chương trình gồm: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH-CN TPHCM; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN TPHCM; Kế hoạch hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở.
Đầu tư cần tập trung

Hội nghị giới thiệu chương trình nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2016-2020, vừa được Sở KH-CN TPHCM tổ chức, cho thấy cần ưu tiên những nghiên cứu trực tiếp giải quyết vấn đề cấp bách của thị trường và xã hội, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp (DN) và xã hội.

Nghiên cứu sản xuất thuốc từ tế bào gốc tại Công ty Nanogen - Khu Công nghệ cao TPHCM

Ở giai đoạn 2016-2020, TPHCM tập trung triển khai 4 chương trình gồm: Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH-CN TPHCM; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; Thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN TPHCM; Kế hoạch hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở.

Trong đó, chương trình Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH-CN TPHCM đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn lên 60%; phấn đấu có 5 sản phẩm trọng điểm mang thương hiệu TPHCM; hình thành được tối thiểu hai tổ chức KH-CN tiên tiến mang tầm quốc tế và 300 DN KH-CN… Để đạt được mục tiêu này, TP sẽ có những chương trình nghiên cứu mục tiêu, kế hoạch phát triển sản phẩm mục tiêu; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp, đào tạo nhân lực về KH-CN, hình thành các đơn vị thương mại hóa sản phẩm và khai thác tài sản trí tuệ…

Nhìn lại giai đoạn 2011-2015, số đề tài nghiên cứu khoa học của TPHCM có kết quả được ứng dụng trực tiếp chiếm 42%, số đề tài có kết quả được ứng dụng gián tiếp là 36%. Trong đó, có 1,9% số đề tài nghiên cứu khoa học không được ứng dụng vào thực tiễn vì không có tính khả thi và việc đầu tư cho KH-CN giai đoạn này cũng khá dàn trải… Cụ thể hơn, TPHCM có tất cả 19 chương trình thì đều đầu tư hết nên không tập trung, dẫn đến hiệu quả nghiên cứu khoa học của các chương trình không cao. Hội nghị này cũng chỉ ra vai trò của KH-CN chưa rõ nét trong giải quyết các vấn đề khó khăn của TP (chống kẹt xe, giảm ngập...); sự liên kết để tạo ra sản phẩm phục vụ khu vực công nghiệp còn yếu; tỷ lệ đồng đầu tư thấp 87:13 (Nhà nước: DN); chất lượng thực hiện đề tài thấp (trễ hạn 80%)…

Hướng tới, đầu tư cho KH-CN sẽ tập trung ưu tiên cho những hoạt động nghiên cứu trực tiếp giải quyết vấn đề cấp bách của thị trường và xã hội; thu hút đầu tư từ DN và xã hội, cũng như thúc đẩy phát triển, khuyến khích xây dựng mối liên kết chuỗi giữa khu vực DN và nghiên cứu; nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Sở KH-CN TPHCM thông báo về các chương trình hỗ trợ nghiên cứu KH-CN, lĩnh vực nghiên cứu sẽ không giới hạn nhưng tập trung ưu tiên các lĩnh vực: cơ khí và tự động hóa; điện - điện tử và công nghệ thông tin; hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu; công nghệ sinh học; quản lý và phát triển đô thị. Kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, KH-CN; tối đa 500 triệu đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; không quá 2 tỷ đồng/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở KH-CN TPHCM tiếp nhận hồ sơ từ ngày 1-3-2017 và sẽ công bố kết quả xét duyệt vào 3 đợt trong năm (tháng 4, tháng 7 và tháng 10-2017).

Tin cùng chuyên mục