Để có niềm tin vào công nghệ nội địa

Tại Việt Nam, những điều kiện cần thiết nhất cho một thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) phát triển như cơ chế chính sách, thiết bị - máy móc sẵn có, đơn vị tư vấn trung gian… vẫn chưa thực sự đầy đủ; trong khi, bản thân doanh nghiệp (DN) trong nước lại thiếu hẳn niềm tin dành cho công nghệ nội địa. Yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành KH-CN là phải sớm có giải pháp tháo gỡ để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Để có niềm tin vào công nghệ nội địa

Tại Việt Nam, những điều kiện cần thiết nhất cho một thị trường khoa học và công nghệ (KH-CN) phát triển như cơ chế chính sách, thiết bị - máy móc sẵn có, đơn vị tư vấn trung gian… vẫn chưa thực sự đầy đủ; trong khi, bản thân doanh nghiệp (DN) trong nước lại thiếu hẳn niềm tin dành cho công nghệ nội địa. Yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành KH-CN là phải sớm có giải pháp tháo gỡ để nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Chuyển biến nhưng chưa khởi sắc

Đánh giá sức phát triển của thị trường KH-CN những năm qua, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH-CN Phạm Đức Nghiệm cho biết, thị trường KH-CN từ 2014 đến nay bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KH-CN với sản xuất kinh doanh… Hiện cả nước có 8 sàn giao dịch công nghệ; 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố; 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KH-CN. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Công ty Huỳnh Đức (Đồng Nai) “chịu” tìm tòi, đầu tư đổi mới công nghệ bằng máy móc nội địa và tạo được lực đẩy trong sản xuất kinh doanh

Dù vậy, dễ nhận thấy nhu cầu về công nghệ của các DN chưa được thể hiện rõ nét. Hoạt động chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức KH-CN trong nước với doanh nghiệp còn rất hạn chế. Điều này trái lại với tình hình chuyển giao công nghệ từ bên ngoài thông qua nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ và đầu tư nước ngoài, vốn đang diễn ra tương đối sôi nổi với tốc độ ngày càng tăng, trong đó khoảng 90% là của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngay tại TPHCM, một trung tâm lớn về KH-CN của cả nước, nhưng vẫn còn đến hơn 30% DN chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, chưa có chiến lược phát triển hoặc chưa định hướng được phương thức - hướng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Cho nên, trong năm 2016, thông qua sàn giao dịch công nghệ TP, chỉ có 7 hợp đồng ký kết với tổng giá trị 8 tỷ đồng, không phải là điều bất ngờ.

Sự thiếu và yếu của các tổ chức trung gian trong thị trường KH-CN cũng là vấn đề trăn trở của những người đứng đầu ngành KH-CN địa phương. Theo ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở KH-CN Đà Nẵng, Thông tư 16/2014 quy định điều kiện thành lập, hoạt động của các tổ chức trung gian cũng chưa rõ nên việc triển khai càng không dễ dàng. Trong khi tại Hà Nội, Giám đốc Sở KH-CN Lê Văn Rao cho biết, đến cuối năm 2015, sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH-CN cho hơn 470 tổ chức, nhưng chưa tổ chức nào hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, định giá, giám định công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ. Vướng mắc chủ yếu: đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014 nhưng đến nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn.

Thị trường công nghệ cần truyền thông

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin KH-CN TPHCM Lương Tú Sơn, một nghịch lý đã diễn ra tại TP suốt nhiều năm qua là nhu cầu công nghệ và chuyển giao công nghệ của DN là rất lớn, nhưng việc kết nối nhu cầu đó với các đơn vị nghiên cứu ở các viện, trường gặp khó khăn, do DN không mặn mà, thiếu niềm tin với công nghệ trong nước, cho rằng công nghệ đó thường chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho quá trình sản xuất khi họ tiếp nhận.

Thừa nhận những kết quả nghiên cứu khoa học những năm qua còn hạn chế, chưa theo sát thị trường, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho rằng để các kết quả nghiên cứu trong nước đi vào thực tiễn, các nhà khoa học phải biến nó thành sản phẩm, công nghệ, và sản phẩm đó phải đảm bảo độ tin cậy, chất lượng tương đương công nghệ nước ngoài để DN yên tâm sử dụng.

Mang câu chuyện của anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty Nhật Quang - người sở hữu công nghệ gạch âm dương - ra ví dụ tại một tọa đàm do Sở KH-CN TPHCM tổ chức mới đây, Tổng Biên tập Tạp chí Khám phá Lương Bích Ngọc nói: “Biết đến gạch âm dương của anh Nguyễn Văn Nam tại một triển lãm về thị trường KH-CN cách đây đã 2 năm, gian hàng của anh Nam được rất nhiều người chú ý. Ai cũng băn khoăn tại sao một sản phẩm tốt như thế lại không phổ biến được? Anh Nam đã đến gặp tôi mong có cách nào hỗ trợ, và 2 năm qua tôi vẫn trăn trở với câu trả lời”. Trăn trở đó, theo chị Lương Bích Ngọc, chính là việc không tìm thấy được nhiều thông tin “thỏa mãn” về gạch âm dương của tác giả này trên internet. Bởi lẽ, trong khi tác giả không có “năng khiếu” để mô tả rành mạch về nghiên cứu của mình thì truyền thông KH-CN lại chưa “biến” được những yếu tố khô khan từ nghiên cứu khoa học thành sản phẩm hướng tới nhu cầu thiết thực của cuộc sống.

Thực tiễn cho thấy, nguồn tri thức khoa học lớn nhất là từ các viện nghiên cứu, trường đại học nhưng thông tin vẫn còn khép kín trong phạm vi viện, trường. Các viện, trường chưa chú trọng dùng truyền thông giới thiệu và quảng bá cho đơn vị mình cả trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Mặt khác, việc khuyến khích gửi bài đăng ở các tạp chí KH-CN quốc tế, sự mất cân bằng giữa thông tin hàn lâm và thông tin công chúng đã gián tiếp, vô tình làm giảm lượng thông tin đến với công chúng, giảm hoạt động truyền thông KH-CN nội địa. Mà theo TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ trưởng KH-CN, điều đó khiến DN - những đơn vị trực tiếp ứng dụng công nghệ - thiếu hẳn kênh tiếp cận để xây dựng niềm tin vào công nghệ Việt, dù rằng nội địa không thiếu những công nghệ tốt tương đương nước ngoài 

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục