Khoa học và Công nghệ cần thiết thực hơn, gắn liền sản xuất và thực tiễn đời sống

Sáng nay, 4-1, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức hội nghị trực tuyến ngành với chủ đề “KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Hà Nội, hội nghị còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đông đảo lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức nghiên cứu và phát triển KH-CN.
Khoa học và Công nghệ cần thiết thực hơn, gắn liền sản xuất và thực tiễn đời sống

(SGGPO).- Sáng nay, 4-1, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức hội nghị trực tuyến ngành với chủ đề “KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu Hà Nội, hội nghị còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đông đảo lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức nghiên cứu và phát triển KH-CN.

Khoa học và Công nghệ cần thiết thực hơn, gắn liền sản xuất và thực tiễn đời sống ảnh 1



Trong báo cáo tổng kết công tác KH-CN năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2020, có vai trò định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị


Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động với mục tiêu tiếp tục tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, ngành KH-CN đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung, các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của ngành để đưa KH-CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Ngành KH-CN đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng thời gian qua, KH-CN Việt Nam đã có những bước tiến lớn, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, bám sát, phục vụ trực tiếp cho các ngành, các lĩnh vực trọng điểm của đất nước, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất. Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, KH-CN là động lực giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng trưởng. Tỷ lệ áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp có mức gia tăng 1-2% so với năm 2015. Các tiến bộ KH-CN đã đóng góp khoảng 30%-40% vào tăng trưởng nông nghiệp. Kết quả KH-CN đã được ứng dụng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Kết quả KH-CN được ứng dụng trong nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 5 năm qua, năng suất lúa liên tục tăng từ 55,4 tạ/ha (năm 2011) lên 57,7 tạ/ha (năm 2015), đưa Việt Nam thành nước có năng suất đứng đầu khu vực. Trên 90% diện tích gieo trồng bằng các giống lúa mới hoặc được cải tiến. Nhiều tiến bộ KH-CN đã được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất rau, hoa như nhân giống hoa bằng nuôi cấy mô; trồng trong nhà lưới, nhà kính; sản xuất rau, hoa, quả theo qui trình GAP, công nghệ cao;… năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,3 tỷ USD, lần đầu tiên vượt kim ngạch xuất khẩu gạo (đạt 2,1 tỷ USD).

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo các cụm khối, các hệ thống kiểm tra phục vụ cho công tác bảo đảm kỹ thuật; nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới, cải tiến, hiện đại hoá, bảo đảm kỹ thuật cho các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật theo hướng công nghệ cao, tăng tầm bắn, tăng uy lực, khả năng cơ động, tăng độ chính xác, tích hợp khả năng dẫn đường, phù hợp chiến lược, cách đánh của quân đội nhân dân Việt Nam; xây dựng các hệ thống giám sát có chủ đích trên không gian mạng; xây dựng hệ thống kiểm soát luồng thông tin, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thông tin và bảo đảm an ninh, an toàn cho máy tính và hệ thống mạng quân sự và không gian mạng nói chung; đảm bảo hậu cần và y dược quân y trong các điều kiện tác chiến mới. Điển hình như Tổng Công ty Ba Son đã triển khai chuyển giao công nghệ đóng mới một số tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, khẳng định năng lực công nghệ của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam; Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân, trên cơ sở hợp tác với Belarus, đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công mẫu radar cảnh giới tầm trung sóng mét RV-02; Tập đoàn Viettel, trên cơ sở một số kết quả nghiên cứu ban đầu của Quân chủng Phòng không - Không quân, đã nghiên cứu và phát triển hoàn thiện hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia…

 Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của nước ta luôn có sự đóng góp của KH-CN. Phát triển và ứng dụng KH-CN là nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, đầu tư cho KH-CN cần thiết thực hơn, ưu tiên đề tài gắn sản xuất và thực tiễn đời sống…

Tin và ảnh: TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục