Tìm lối ra cho sản phẩm khoa học công nghệ

Tại hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ xây dựng “Chương trình sản phẩm mục tiêu thành phố”, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức cuối tuần qua, vấn đề cụ thể hóa quyền sở hữu và phân chia lợi nhuận sản phẩm đã được sở và đại diện các doanh nghiệp đặt ra, xem đây là giải pháp kích thích doanh nghiệp chủ động tham gia ngay từ quá trình nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ.
Tìm lối ra cho sản phẩm khoa học công nghệ

Tại hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ xây dựng “Chương trình sản phẩm mục tiêu thành phố”, do Sở KH-CN TPHCM tổ chức cuối tuần qua, vấn đề cụ thể hóa quyền sở hữu và phân chia lợi nhuận sản phẩm đã được sở và đại diện các doanh nghiệp đặt ra, xem đây là giải pháp kích thích doanh nghiệp chủ động tham gia ngay từ quá trình nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ.

Một dự án khởi nghiệp của bạn trẻ mong muốn tìm vốn hỗ trợ từ Chương trình sản phẩm mục tiêu TP



Nhiều đề xuất từ doanh nghiệp

Ông Phạm Văn Xu, quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, kể từ khi công bố Chương trình sản phẩm mục tiêu TP, sở đã nhận được 54 đề xuất từ phía các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu. Sau một thời gian đánh giá, sở đã lựa chọn ra được 8 sản phẩm, nhiệm vụ đáp ứng được những tiêu chí mà chương trình đưa ra. Những sản phẩm này tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP, gồm: chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí và điện tử - công nghệ thông tin.
Theo ông Xu, tiêu chí để xét chọn các đề tài, sản phẩm là hướng tới hiệu quả kinh tế xã hội, phải ứng dụng được rộng rãi. Chủ nhiệm đề tài cũng phải chứng minh được tính mới, tiên tiến của công nghệ; phải so sánh được trình độ công nghệ mới so với công nghệ hiện có ở Việt Nam; khả năng triển khai công nghệ trong nước… Cùng với đó là chứng minh được lợi ích kinh tế, khả năng thị trường và cạnh tranh của sản phẩm khi áp dụng cũng như khả năng mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, khẳng định mục tiêu của chương trình là xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Nhưng các sản phẩm đó phải có sự tham gia “thật” của hai đối tượng doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu. Nhà nước chỉ đóng vai trò kích thích bằng nguồn vốn mồi nhất định. Nghiệm thu của chương trình này chính là sản phẩm được bán ra thị trường.

Minh bạch phân chia lợi nhuận

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, chủ thể của chương trình là doanh nghiệp, xuất phát từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp sẽ quyết định nên đầu tư vào đâu, sản phẩm nào để phù hợp với mình. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận rằng, thời gian qua, rất ít doanh nghiệp chủ động tham gia ngay từ khâu nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm do thiếu… “niềm tin” trong xác định chủ sở hữu và phân chia lợi nhuận sau thương mại hóa. Minh bạch vấn đề này, kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất.

Đối với việc xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, công nghệ, đại diện Sở KH-CN cho biết sẽ dựa trên tỷ lệ vốn đầu tư. Tuy nhiên, sở sẽ chủ động ủy quyền sở hữu cho tác giả nghiên cứu nhằm kích thích tác giả chủ động liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Đối với việc phân chia lợi nhuận, sẽ dựa vào Nghị định 08/2014/NĐ-CP. Theo đó, thù lao cho tác giả theo thỏa thuận giữa các bên nhưng tối thiểu là 30%; phần chia cho người môi giới (nếu có) theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%. Sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới (nếu có), phần lợi nhuận còn lại được quy định như sau: Trường hợp được giao quyền sở hữu thì 50% dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% dành cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức; trường hợp được giao quyền sử dụng thì phải trả lại cho đại diện chủ sở hữu nhà nước theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%, phần còn lại được dành 50% cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng cũng nhấn mạnh: “Thay vì đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp, Nhà nước sẽ đầu tư vào tổ chức KH-CN. Bởi khi đề tài, sản phẩm nghiên cứu ra, tổ chức KH-CN có thể chuyển giao thêm cho nhiều doanh nghiệp khác để nhiều người cùng hưởng thụ”. Lý giải điều này, theo ông Dũng, Nhà nước không thể lấy tiền thuế của dân để đầu tư cho một doanh nghiệp, như thế sẽ vi phạm nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, mức hỗ trợ của Nhà nước cho các đề tài tham gia chương trình này có thể cao hơn nhiều lần so với mức bình quân của các đề tài nghiên cứu thông thường. Muốn được hỗ trợ thì cần phải có sự hợp tác công tư, nghĩa là doanh nghiệp phải bỏ vốn đối ứng để cùng thực hiện.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục