Định vị lại ngành nội dung số

Có thể hình dung một sản phẩm nội dung số là sự chắt lọc của ba nhóm ngành: công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và sản xuất nội dung. Công nghiệp nội dung số gồm các ngành thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành và cả dịch vụ liên quan. Nội dung số gồm nhiều lĩnh vực: tra cứu thông tin, dữ liệu số, giải trí số, giáo dục trực tuyến, học tập điện tử, thư viện và bảo tàng số, nội dung cho mạng di động, giải trí số và cả thương mại điện tử… Như thế, nội dung số có mặt hầu hết trong các lĩnh vực, nhưng việc định vị để khẳng định giá trị của nó đang bị bỏ quên.
Định vị lại ngành nội dung số

Có thể hình dung một sản phẩm nội dung số là sự chắt lọc của ba nhóm ngành: công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và sản xuất nội dung. Công nghiệp nội dung số gồm các ngành thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành và cả dịch vụ liên quan. Nội dung số gồm nhiều lĩnh vực: tra cứu thông tin, dữ liệu số, giải trí số, giáo dục trực tuyến, học tập điện tử, thư viện và bảo tàng số, nội dung cho mạng di động, giải trí số và cả thương mại điện tử… Như thế, nội dung số có mặt hầu hết trong các lĩnh vực, nhưng việc định vị để khẳng định giá trị của nó đang bị bỏ quên.

Chưa được tách bạch

Smartphone hiện diện khắp nơi, một phương tiện không thể bỏ quên trong đời sống hàng ngày. Trên mỗi chiếc smartphone, hàng chục ứng dụng được dùng hàng giờ như Viber, Zalo, Mobo, Grab, Uber, Games… Không chỉ cá nhân, các dịch vụ của nội dung số còn là dịch vụ cung cấp các sản phẩm qua máy tính, di động như dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ đào tạo trực tuyến; dịch vụ cung cấp thông tin về kinh tế, ngân hàng, chứng khoán, dịch vụ công trực tuyến… ngày càng dần hoàn thiện và đóng vai trò quan trọng.

Các ứng dụng của nội dung số đang được sử dụng hàng giờ trên hàng triệu chiếc smarphone

Đến nay, tuy có nhiều nhìn nhận khác nhau nhưng các ý kiến đều thống nhất cơ bản vai trò của công nghiệp nội dung số là rất quan trọng, nó được ví như “con gà đẻ trứng vàng” của ngành CNTT; hay nói cách khác, nội dung số chính là giá trị gia tăng của CNTT. Do đặc thù, đến nay trong nước vẫn chưa phân định cụ thể lĩnh vực nội dung số dù trên mỗi sản phẩm CNTT đều có sự hiện diện của nó. Điều này khiến cho giá trị của ngành nội dung số đang được “trộn đều” vào ngành CNTT, nên khó có con số chính xác giá trị của ngành này. Các số liệu thống kê cho thấy: Trong 6 năm từ năm 2010 - 2015, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng. Từ mốc 7,6 tỷ USD doanh thu năm 2010, đến năm 2015 tổng doanh thu của ngành ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng gần gấp 7 lần.

Trong khi đó trên thế giới, ngành công nghiệp nội dung số đã có bước phát triển mạnh mẽ và đạt doanh thu lớn. Chỉ riêng năm 2002, tổng doanh thu của ngành này trên toàn cầu là 172 tỷ USD, năm 2006 là 430 tỷ USD và năm 2014 là xấp xỉ 1,7 ngàn tỷ USD. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có doanh số tăng mạnh nhất. Vậy xác định ranh giới đâu là sản phẩm nội dung số, đâu là gia công phần mềm, đâu là giá trị gia tăng của ngành CNTT - viễn thông… là hết sức cần thiết.

Vẫn chưa chính danh

Hội thảo “Smart Society - Xu hướng kỷ nguyên công nghệ ICT: Ứng dụng dịch vụ viễn thông, CNTT vào chính phủ điện tử, y tế, giáo dục và các tiện ích phục vụ cộng đồng” vừa diễn ra cho thấy doanh thu của công nghiệp nội dung số Việt Nam ước đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014. Đặc biệt, năm 2015 được xem là cột mốc đánh dấu sự phát triển và tầm ảnh hưởng lan rộng của game mobile. Doanh thu thị trường game di động Việt trong năm 2015 vào khoảng 107 triệu USD, với số lượng người dùng smartphone tăng từ 12,6 triệu trong năm 2014 lên 13,3 triệu vào năm 2015.

Tuy nhiên, đó chỉ là những con số thống kê được từ lĩnh vực dễ xác định - thuộc về nội dung số; còn hàng chục, thậm chí hàng trăm lĩnh vực khác chưa xác định được nên bị bỏ qua. Tại thời điểm hiện tại, đã có khoảng 200 mạng xã hội được cấp phép; trong đó facebook vẫn là mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam với 35 triệu người dùng, chiếm hơn 1/3 dân số (tính đến tháng 12-2015); hay như Zalo, ứng dụng nội dung số cán mốc 45 triệu người dùng vào tháng 2-2016, trở thành một trong những ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua internet có ảnh hưởng ngang ngửa với facebook messenger… Nội dung số đã tạo ra giá trị mà ai cũng thấy nhưng chưa thể đong đếm được, nên nó vẫn chưa được “chính danh” đóng góp cho ngành nội dung số.

Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm… Nếu đã từng tham gia các câu lạc bộ của các doanh nghiệp khởi nghiệp, tham dự các triển lãm về khởi nghiệp sẽ không khó nhận ra, đa phần những dự án khởi nghiệp ở đây đều dựa trên nền tảng công nghệ và sản phẩm là nội dung số, được thể hiện từ dịch vụ cho đến ứng dụng… Cho nên, đây được nhìn nhận như sự liên kết đầy thuận tiện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp số nói riêng, bởi phần lớn các dự án khởi nghiệp là doanh nghiệp nội dung số.

Một khi sự liên kết đã được hình thành sẽ trở thành cơ hội cho ngành nội dung số khẳng định giá trị; giá trị của việc tạo ra những ứng dụng phục vụ tốt cho đời sống con người; được định giá hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đô la như ứng dụng Instagram được Facebook mua lại… Nhưng muốn như vậy, rất cần định vị lại ngành nội dung số; có như thế, ngành nội dung số mới thể hiện được sức mạnh của nó, nhất là trong chiến lược khởi nghiệp.

Theo “Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, công nghiệp CNTT sẽ trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao và có giá trị xuất khẩu lớn vào 2025; đến năm 2020 tăng trưởng tối thiểu 15%/năm với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD trong giai đoạn 2015 - 2020…

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục