Vũ trụ gần gũi và mềm mại

Với 5 buổi giao lưu gặp gỡ với độc giả và những người yêu vũ trụ, thiên văn tại TPHCM từ ngày 10-7 đến nay, GS Trịnh Xuân Thuận đã mang đến một góc nhìn thú vị, đầy màu sắc xung quanh những vấn đề tưởng chừng như vô tận mà khoa học đã và đang lý giải cho con người về vũ trụ.
Vũ trụ gần gũi và mềm mại

Với 5 buổi giao lưu gặp gỡ với độc giả và những người yêu vũ trụ, thiên văn tại TPHCM từ ngày 10-7 đến nay, GS Trịnh Xuân Thuận đã mang đến một góc nhìn thú vị, đầy màu sắc xung quanh những vấn đề tưởng chừng như vô tận mà khoa học đã và đang lý giải cho con người về vũ trụ.

Cần tĩnh lặng để thấy vũ trụ đẹp đẽ và hài hòa

Là tác giả của hơn 230 bài nghiên cứu quốc tế, hơn 15 đầu sách giá trị được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và phát hành tại 60 quốc gia, được cộng đồng khoa học thế giới công nhận, GS Trịnh Xuân Thuận là một trong những nhà vật lý thiên văn học hàng đầu thế giới trong thế kỷ XXI. Hơn nữa, ông có công đầu nghiên cứu về sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, đặc biệt là thiên hà lùn, cũng như sự tổng hợp của các yếu tố ánh sáng trong vụ nổ Big Bang… Những cuốn sách của ông mang lại kho tàng kiến thức lớn cho độc giả về vũ trụ. Ông cho biết: “Khoa học bắt đầu bén duyên trong tôi khi tôi mày mò khám phá thế giới khoa học qua những trang sách. Tôi quyết định chọn Trường Caltech ở Pasadena bang California để học tập, bởi Caltech có kính thiên văn lớn nhất trên thế giới lúc bấy giờ với đường kính 5m, đặt trên núi Palomar và có thể nhìn xa nhất trong vũ trụ”.

GS Trịnh Xuân Thuận nhớ lại, năm 1967, khi ông vừa đặt chân đến Caltech cũng là thời điểm thiên văn học bùng nổ, có rất nhiều khám phá mới lạ và hào hứng. Những chí hướng, những ấp ủ khoa học của chàng thanh niên 19 tuổi là mong muốn khát khao hiểu biết tất cả thế giới vũ trụ rộng lớn. “Tôi tắm mình trong những phát minh, những tri thức vô bờ về khoa học. Tôi sẽ còn nhớ mãi đêm quan sát đầu tiên của tôi ở nơi thánh địa của thiên văn học. Một niềm xúc động sâu sắc. Tôi như đứng trước một thánh đường của thế kỷ 20 đang hướng lên bầu trời. Tôi mê mẩn những gì tôi nhìn thấy. Tôi chìm đắm trong niềm đam mê khám phá sự bao la của vũ trụ và luôn đau đáu niềm đam mê ấy”, ông hồi tưởng.

Cho đến bây giờ, ở tuổi 68 với gần 5 thập kỷ theo đuổi ngành thiên văn học, ông vẫn luôn khao khát được tiếp tục, tiếp tục không ngừng nghỉ tìm hiểu về vũ trụ bao la và cái thế giới rộng lớn của những thiên hà đầy kỳ diệu trên bầu trời. Hơn nữa, ông muốn truyền tải những gì mình biết, mình hiểu cho những người có niềm đam mê như mình tiếp tục viết thêm những trường ca, những điều kỳ bí mới lạ về thiên hà… Và cũng đáng suy ngẫm khi GS Trịnh Xuân Thuận cho rằng nhân loại đang sống trong một thế giới bị bủa vây bởi kỹ thuật, ngạt thở vì bụi khói; trong khi đó, con người cần tĩnh lặng để hiểu rằng còn có một vũ trụ bao la, đẹp đẽ và hài hòa.

Trong vũ trụ mọi vật đều thay đổi

Đặt trách nhiệm của bản thân mình lên từng trang viết, ông luôn tâm niệm một điều viết cho người đọc dễ hiểu, dễ đọc và dễ cảm nhận được những nội dung tưởng chừng như khô khan, vô hạn… Và chính những thứ xa tít tắp mù khơi, ngoài vũ trụ bao la ấy đã được GS Trịnh Xuân Thuận truyền cảm hứng cho mọi người một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, khiến những buổi nói chuyện của ông luôn chật kín người nghe. Lời ông nói hay tất cả những cuốn sách mà ông viết, ông luôn mong muốn đưa công chúng đến với các tri thức về khoa học vũ trụ hình thành nên qua nhiều thế kỷ tìm kiếm, cũng như các phát hiện mới đây, xoay quanh một chủ đề trung tâm là “cái vô tận” về nguồn gốc và tương lai của vũ trụ hay các vấn đề đạo đức - đạo lý trong một thế giới nhân sinh, mà ở đó cái vô tận hay cái bất định có xu hướng trở thành một ám ảnh thường trực.

GS Trịnh Xuân Thuận ký tặng sách cho độc giả Ảnh: QUANG KHOA

Những tác phẩm của GS Trịnh Xuân Thuận luôn được đông đảo bạn đọc tò mò, thích thú đón nhận bởi ngôn ngữ văn chương của ông tuy khoa học, hàn lâm nhưng dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Đó là cuộc đối thoại giữa khoa học vật lý thiên văn với các truyền thống triết học tâm linh, đặc biệt là triết học Phật giáo, giữa thế giới khoa học dựa trên những gì quan sát và kiểm chứng được với thế giới của trực giác, trải nghiệm, niềm tin hay các ý niệm thuộc lĩnh vực siêu hình.

Cũng cần thấy rằng, ở hầu hết trong các buổi nói chuyện, GS Trịnh Xuân Thuận đều dành phần lớn thời gian để nói về khoa học thiên văn và Phật giáo. Ông cho rằng: Phật giáo có nói đến sự vô thường, cái gì cũng thay đổi. Trước kia, người ta tưởng vũ trụ là bất biến, theo quan điểm của Aristotle. Nhưng sau này, khoa học đã chứng minh, vũ trụ thay đổi và trong vũ trụ, mọi vật đều thay đổi. Cũng tại buổi thảo luận, nhiều câu hỏi của các nhà khoa học đưa ra thể hiện niềm say mê thiên văn học như năng lượng tối, vũ trụ trong những giây đầu tiên, các lỗ đen và cả những sửa đổi gần đây trong lý thuyết lỗ đen của Hawking, hiện tượng nhật thực trong quan niệm của người dân gây ra sâu bệnh, hiện tượng hạt neutrino nhanh hơn ánh sáng... đều được ông giải đáp một cách dễ hiểu.

Được hỏi về mục đích chính khi viết sách khoa học thường thức, ông cười hiền và nói rằng chỉ mong muốn giảng giải cho công chúng về những ngôi sao, vũ trụ, về những gì mà những nhà thiên văn đã tìm ra. GS Trịnh Xuân Thuận luôn mong muốn được chia sẻ niềm đam mê vũ trụ của mình đến với công chúng và việc viết về thiên văn, vũ trụ cũng là một phần sứ mệnh của ông.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục