Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ đổi mới quản lý ngành

Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ đổi mới quản lý ngành

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng:

Một cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, họ biết đến đâu gõ cửa để có người nghe, đúng người nghe và có khả năng hỗ trợ họ hoàn thiện ý tưởng, hỗ trợ cả kiến thức chuyên gia và tài chính để triển khai ý tưởng ra thị trường…

Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ đổi mới quản lý ngành ảnh 1

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng (phải)

Một hệ sinh thái khởi nghiệp như thế sẽ là một phần trong kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM đang bắt tay xây dựng, với mục tiêu giúp TPHCM trở thành thành phố khởi nghiệp sáng tạo. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng , Giám đốc Sở KH-CN TPHCM với phóng viên Báo SGGP trong thời điểm dòng chảy khởi nghiệp đang cuồn cuộn trong lòng thành phố.

* Phóng viên: Thế giới đang bước vào thời kỳ của KH-CN (Science & Technology) gắn liền đổi mới sáng tạo (Innovation). Đây cũng là thời điểm ngành KH-CN thành phố phải chuyển mình để theo kịp trào lưu khởi nghiệp sáng tạo. Xin ông cho biết, Sở KH-CN TPHCM đang có những bước đi cụ thể nào?

* Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG: Một khảo sát gần đây do chúng tôi thực hiện cho thấy, TPHCM đang hình thành một cộng đồng khởi nghiệp đông đảo nhưng còn rời rạc và thiếu đi những mắc xích cần thiết: chúng ta có nhiều khu công nghiệp, nhưng thiếu không gian cho các ý tưởng khởi nghiệp; các trường đại học, trung tâm nghiên cứu hầu như không có đơn vị kinh doanh tài sản trí tuệ… Để cộng đồng khởi nghiệp mạnh và bền vững, phải có hệ sinh thái khởi nghiệp đi kèm, với sự tham gia của Nhà nước, viện - trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức trung gian như vườn ươm, tư vấn, hỗ trợ pháp lý… Trong đó, Nhà nước cần có chính sách về hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ khởi nghiệp, kể cả hỗ trợ đào tạo và phát triển các tổ chức trung gian, chính sách hỗ trợ thuế, chính sách hỗ trợ tài chính…

Đáp ứng yêu cầu đó, Sở KH-CN TPHCM đã tham mưu cho thành phố kế hoạch phát triển KH-CN trong 5 năm với 4 chương trình lớn, gồm: Chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH-CN; Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN; Chương trình thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

* Thưa ông, có những điểm đáng chú ý nào trong các chương trình mà Sở KH-CN TP đã xây dựng?

* Trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, chúng tôi xây dựng hai nội dung chính. Một là hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiện hữu (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, đưa giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ ngày một cao hơn. Nội dung còn lại là hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khi hệ sinh thái khởi nghiệp này được hình thành, cá nhân, tổ chức nào có ý tưởng khởi nghiệp có thể gõ cửa và tìm kiếm được người có thể nghe, giúp họ hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp, kể cả hỗ trợ tài chính để triển khai ra thị trường… Thông qua hội đồng đánh giá, nếu ý tưởng khả thi, các trường, viện, nhà khoa học, doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm… sẽ cùng “nhảy” vào giúp hiện thực hóa ý tưởng đó.

Hiện nay, sở cũng đã biên soạn lại các quy trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp, đồng thời đang gửi các sở, ngành xin ý kiến, qua đó thể chế hóa một số hoạt động quản lý. Trong đó, điểm mới nhất là việc dành ưu tiên cho các đề tài có mục tiêu, sản phẩm rõ ràng, có sự tham gia liên kết trong đầu tư và nghiên cứu giữa doanh nghiệp và viện, trường. Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng vậy, nếu có sự đồng hành cùng thị trường, hợp tác xã hội thì Nhà nước sẽ dành ưu tiên. Cuối cùng là tập trung nguồn lực hỗ trợ đến nơi đến chốn để từng nhóm ngành trọng điểm có một đơn vị nghiên cứu chủ lực đúng nghĩa.

Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng vậy, nếu có sự đồng hành cùng thị trường, hợp tác xã hội thì Nhà nước sẽ dành ưu tiên. Cuối cùng là dồn mọi nguồn lực hỗ trợ đến nơi đến chốn để trong từng nhóm ngành trọng điểm có một đơn vị nghiên cứu chủ lực đúng nghĩa.

* Trước đây, Sở KH-CN TPHCM đặt ra rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới công nghệ… nhưng không ít trong số đó chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Theo ông, cần có thay đổi gì trong công tác quản lý ngành?

* Sở từng đặt ra nhiều chương trình nhưng còn thiếu tính liên kết. Vì thế, khi tổng kết lại 5 năm, mỗi chương trình lẻ tẻ một vài đề tài, không đề tài nào gắn với đề tài nào cả. Quanh quẩn chỉ là chuyện làm được bao nhiêu đề tài, chi ngân sách được bao nhiêu. Thời gian tới, chủ trương của sở vẫn tiếp tục quan tâm và đầu tư thực hiện các đề tài nghiên cứu, bởi đây là thành phần hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, cách đầu tư sẽ đi vào trọng tâm, trọng điểm với 4 ngành trọng yếu gồm: chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin. Công tác quản lý đề tài nghiên cứu cũng chặt chẽ và khắt khe hơn; đề cao trách nhiệm và vai trò quản lý của cơ quan chủ trì, tiến độ thực hiện đề tài, công khai minh bạch trong đấu thầu nhiệm vụ KH-CN, cũng như công bố kết quả nghiên cứu…

KH-CN và đổi mới sáng tạo đang lan tỏa mọi ngóc ngách của cuộc sống. Bất kỳ một vị trí nào, lĩnh vực nào cũng liên quan đến đổi mới sáng tạo cả. Phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo không phải chỉ là chế tạo một cái máy, nghiên cứu một công thức khoa học, mà còn là những ý tưởng, mô hình, giải pháp sáng tạo để làm cho công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi đơn vị nhanh hơn, hiệu quả hơn, năng suất hơn. Chỉ khi nào từ cấp lãnh đạo đến mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ đổi mới sáng tạo là trách nhiệm và là việc làm thường xuyên, thì lúc đó KH-CN mới thực sự trở thành động lực phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục