Xem trọng bản quyền phần mềm để tự bảo vệ mình

Theo khảo sát Phần mềm toàn cầu vừa được BSA | Liên minh Phần mềm công bố cho thấy, người sử dụng máy tính Việt Nam đang sử dụng phần mềm không bản quyền với tỷ lệ đáng báo động, bất chấp mối liên hệ giữa phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mạng.
Xem trọng bản quyền phần mềm để tự bảo vệ mình

Theo khảo sát Phần mềm toàn cầu vừa được BSA | Liên minh Phần mềm công bố cho thấy, người sử dụng máy tính Việt Nam đang sử dụng phần mềm không bản quyền với tỷ lệ đáng báo động, bất chấp mối liên hệ giữa phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mạng.

Xem trọng bản quyền phần mềm để tự bảo vệ mình ảnh 1

Tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền
vẫn còn cao



Cụ thể, khảo sát này với tiêu đề “Nắm bắt cơ hội thông qua tuân thủ cấp phép” cho thấy tỷ lệ phần mềm cài đặt trên máy tính tại Việt Nam không có giấy phép hợp lệ là 78%. Nhưng cần thấy rằng, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính giảm (3% so với năm 2013) là do ảnh hưởng một phần bởi những xu hướng lớn đang diễn ra tại Việt Nam, khi thị trường máy tính PC nhìn chung đã giảm sút, đặc biệt về phía người tiêu dùng, nhưng thực tế số lượng phần mềm cài đặt lại tăng. Ở đây cần thấy rõ hơn, do số lượng phần mềm cài đặt tăng nên gây ra “hiệu ứng lượng cài đặt” và theo đó là làm tăng áp lực lên tỷ lệ phần mềm không giấy phép.

Khảo sát này còn nhắm đến đối tượng là người tiêu dùng, nhà quản lý công nghệ thông tin (CNTT), người sử dụng máy tính PC doanh nghiệp… Theo đó, khẳng định tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền vẫn còn cao, đồng thời cảnh báo rằng các cá nhân, doanh nghiệp đừng vì “lợi trước mắt mà quên hậu quả” khi sử dụng phần mềm không bản quyền. Cảnh báo này được đưa ra vì giữa các cuộc tấn công mạng và việc sử dụng phần mềm không bản quyền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi sử dụng phần mềm không bản quyền, nguy cơ gặp phải mã độc sẽ tăng cao, trong khi chi phí để xử lý những mã độc đó là rất lớn. Một thống kê cho thấy, chỉ tính riêng năm 2015, các cuộc tấn công mạng đã làm tiêu tốn của doanh nghiệp tới hơn 400 tỷ USD.

Tuy nhiên, khác với những lần trước, khảo sát lần này còn cho thấy những tín hiệu lạc quan: Tuy các con số vi phạm bản quyền phần mềm hay hậu quả gánh chịu khi dùng phần mềm lậu vẫn còn cao, nhưng mặt khác của báo cáo cho thấy đã có những nhận thức đáng kể về vấn đề: Các giám đốc CNTT cho biết mối quan tâm lớn nhất là bị mất dữ liệu do những sự cố an ninh loại này. Các giám đốc CNTT cũng cho rằng yêu cầu tránh các nguy cơ về an ninh là một lý do chính để bảo đảm các phần mềm chạy trên mạng phải là phần mềm hợp pháp, có bản quyền đầy đủ. Báo cáo cũng bổ sung thêm rằng doanh nghiệp có thể giảm thiểu nguy cơ an ninh mạng từ phần mềm không bản quyền bằng cách bảo đảm mua phần mềm từ các nguồn hợp pháp và có chương trình quản lý tài sản phần mềm (QLTSPM) nội bộ. Những tổ chức triển khai hiệu quả chương trình QLTSPM sẽ biết trên mạng của mình có những phần mềm nào, phần mềm đó có hợp thức, có giấy phép hay không; và sẽ tối ưu hóa việc sử dụng phần mềm bằng cách triển khai những phần mềm phù hợp nhất cho doanh nghiệp; có chính sách, quy trình quản lý việc mua, triển khai, ngừng sử dụng phần mềm; cũng như sẽ tích hợp đầy đủ quy trình QLTSPM vào hoạt động của doanh nghiệp.

Trong một số ngành quan trọng, tỷ lệ sử dụng phần mềm không bản quyền còn cao một cách đáng ngạc nhiên. Khảo sát cho biết tỷ lệ này trên toàn thế giới trong các ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là 25%.  Các giám đốc CNTT ước tính 15% số nhân viên của mình thực hiện tải phần mềm lên mạng nhưng giám đốc không biết. Tuy nhiên, những người này đang đánh giá thấp vấn đề một cách đáng kể, vì có tới gần gấp đôi số đó, tức 26% số nhân viên, cho biết họ đã tải các phần mềm không được phép lên mạng.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục