Khởi nghiệp trẻ

Mới đây, tại TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã công bố Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM (HSIF).
Khởi nghiệp trẻ

Mới đây, tại TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã công bố Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo TPHCM (HSIF).

Theo thông tin công bố tại lễ ra mắt, nguồn quỹ có số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng và sẽ nâng quy mô ít nhất là 100 tỷ đồng vào năm 2020, thông qua vận động sự góp vốn từ các công ty tư nhân và ngân hàng. Nguồn quỹ ra đời với mục đích hỗ trợ, bảo trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hướng đến các sản phẩm đổi mới, sáng tạo, góp phần thay đổi cuộc sống, nhất là trong các lĩnh vực như: ứng dụng trên mobile, Internet, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp...

Sự kiện ra mắt HSIF đúng vào thời điểm mà phong trào khởi nghiệp trẻ tại TPHCM đang sôi động hơn bao giờ hết. Ngay tại lễ phát động chính thức “Chương trình thanh niên khởi nghiệp, xây dựng TPHCM - Thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ” cách đây không lâu, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM còn khẳng định: “TPHCM không chỉ là thành phố khởi nghiệp mà phải là đầu tàu về khởi nghiệp để xứng đáng với vai trò đầu tàu của một trung tâm lớn về kinh tế của cả nước”. Có lẽ vì thế mà một nguồn quỹ ra đời ngay sau đó chỉ với mục đích hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp như một sự ngầm hiểu rằng có một TPHCM nói là làm, luôn tiên phong khởi tạo những mô hình thực chất, hiệu quả.

Lễ phát động Chương trình thanh niên khởi nghiệp, xây dựng TPHCM 

Thực ra, hỗ trợ khởi nghiệp không phải là câu chuyện chỉ riêng TPHCM, mà trước đó một số bộ ngành, địa phương đã manh nha ý tưởng, bởi ai cũng nhìn ra bản chất của khởi nghiệp ở Việt Nam. Nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ ra rằng, khởi nghiệp phải bắt đầu từ chính đối tượng là những sinh viên sắp tốt nghiệp, nhưng bản thân nhiều sinh viên hiện sống tách rời xã hội, thụ động, ít sáng tạo. Muốn cho sinh viên thành công, các trường đại học phải thay đổi nhận thức của sinh viên, giúp họ năng động, sáng tạo hơn trong học tập và trong cuộc sống. Khởi nguồn từ các trường đại học, phải có giải pháp để sinh viên có thể áp dụng kiến thức vào thực tế, vào thị trường. Bên cạnh đó, cần cộng hưởng được các vườn ươm hiện nay lại với nhau để đẩy mạnh hoạt động startup… Có thể hiểu, giải pháp hỗ trợ thế nào thì có, nhưng còn cái quan trọng nhất cũng là cái khó nhất là… tìm “vốn mồi” thì đang trong tình trạng “chưa có kinh nghiệm, chưa có tiền lệ”.

Tại một hội thảo về hỗ trợ khởi nghiệp được tổ chức gần đây, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án thương mại hóa theo mô hình thung lũng Silicon - VSV, cũng chung nhận định rằng, hiện nay Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp. Bởi đầu tư vào ý tưởng sáng tạo là đầu tư mạo hiểm, có thể mất tất cả, hoặc gần như là một loại chi phí chứ không phải là đầu tư sinh lời. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có văn hóa đầu tư mạo hiểm, đây là một trong những cản trở của hoạt động startup. Ví dụ, tại Việt Nam chưa có tiền lệ các ngân hàng hoặc quỹ nào đầu tư vào các mô hình doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mà chủ yếu nhắm đến những dự án đầu tư mang lại lợi nhuận. Thực tế tại Việt Nam đã có cộng đồng khởi nghiệp nhưng vẫn rất thiếu vốn đầu tư, nhà đầu tư thiên thần.

Cũng theo bà Thạch Lê Anh, VSV mới ra đời được gần 3 năm, với sự đầu tư của Chính phủ và Bộ KH-CN, với sứ mệnh thúc đẩy khởi nghiệp và kết nối startup với các nhà đầu tư và các nhân sự tiềm năng. Trong hai năm 2014 - 2015, VSV đã tiếp nhận được gần 200 đơn đăng ký tham gia và 17 dự án startup. Trong đó, có 4 dự án startup nhận được đầu tư với tổng số vốn 855.000 USD. Có những dự án đã sinh lời. Điều đó cho thấy, những dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam không thiếu, cái chính vẫn là tạo cho họ một nền móng ban đầu để phát triển các ý tưởng kinh doanh đó mà thôi.

Từ mô hình thành công của VSV, quay lại với câu chuyện ra mắt HSIF tại TPHCM, để thấy tầm quan trọng của những nguồn vốn kích ban đầu này, dù rằng đó chưa phải là lớn. Nói với giới trẻ thành phố tại một sự kiện diễn ra cách đây chưa lâu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang nhìn nhận rằng, tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp là góp phần phát triển đất nước. Bởi nếu chúng ta vẫn cứ phát triển với tốc độ như hiện nay thì ước tính đến năm 2050 nước ta mới trở thành nước công nghiệp, nghĩa là cần đến 35 năm nữa. Để đất nước có thể đạt được mục tiêu sớm hơn, con đường tốt nhất là tạo nên một quốc gia khởi nghiệp, một đô thị khởi nghiệp. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, không gì hiệu quả và thiết thực hơn bằng hành động thay lời nói, mà bắt đầu chính là những hỗ trợ sát sườn cho các doanh nghiệp, một nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm chẳng hạn.

GIA QUẢNG

Tin cùng chuyên mục